Dữ liệu thống kê được CNN công bố ngày 1/1 cho thấy kể từ giữa tháng 12/2024, trung bình mỗi ngày có một vận tải cơ hạng nặng An-124 hoặc Il-76 Nga bay từ căn cứ Hmeymim ở Syria đến sân bay al-Khadim gần thành phố Benghazi ở miền đông Libya.
Các chuyến bay diễn ra sau khi chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe đối lập lật đổ. Truyền thông Mỹ nhận định Nga dường như đang thực hiện kế hoạch thiết lập căn cứ đồn trú tại Libya, thay thế các cơ sở tại Syria, để phục vụ hoạt động ngày càng tăng ở châu Phi và duy trì hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.
Giới chức Nga và Libya chưa bình luận về thông tin này.
Các quan chức Mỹ và phương Tây đầu tháng 12/2024 cho biết Nga bắt đầu rút lượng lớn quân nhân cùng thiết bị quân sự khỏi Syria, trong đó có thể có những tổ hợp phòng không tiên tiến.
Jalel Harchaoui, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói rằng số lượng máy bay Nga từ Syria tới Libya, Belarus và về nước những tuần gần đây đã "tăng đáng kể".
Nga cải tạo và mở rộng đáng kể căn cứ không quân Hmeymim kể từ khi can thiệp vào xung đột Syria cuối năm 2015. Cơ sở này cùng quân cảng Tartus đã giúp Nga tăng cường hiện diện tại Địa Trung Hải và hỗ trợ hoạt động của họ tại châu Phi suốt gần 10 năm qua.
"Mở rộng hiện diện tại Libya cho phép Nga duy trì đủ năng lực để theo đuổi các mục tiêu lớn hơn ở châu Phi, cũng như bù đắp tổn thất sau khi chính quyền cựu tổng thống al-Assad bị lật đổ", ông Harchaoui nhận định.
Ít nhất một máy bay Nga đã cất cánh từ sân bay al-Khadim đến Bamako, Mali, nơi nước này đang dần thay thế ảnh hưởng của Pháp.
Các chuyên gia tại dự án Những mối đe dọa Trọng yếu thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định những chuyến bay kiểu này cho thấy Nga đã bắt đầu sử dụng cơ sở tại Libya để thay thế căn cứ ở Syria.
"Những chuyến bay không giống hoạt động luân chuyển quân thường thấy của Quân đoàn châu Phi", họ cho biết, đề cập lực lượng kế thừa hoạt động của tập đoàn an ninh tư nhân Wagner tại châu Phi và hiện thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo giới chuyên gia phương Tây, Nga đã thiết lập chỗ đứng tại al-Khadim trong nhiều năm, cung cấp lực lượng an ninh tư nhân và vũ khí cho tướng Khalifa Haftar, lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía đông nước này.
Nga đầu năm ngoái xây dựng khu phức hợp kiên cố gần căn cứ al-Khadim để phục vụ nhân sự quá cảnh tới các khu vực khác ở châu Phi. Một số bên nhận định quan hệ song phương có thể được tăng cường nếu Nga tìm kiếm một cảng biển trong vùng do LNA kiểm soát để thay thế cơ sở tại Tartus.
Căn cứ ven Địa Trung Hải có ý nghĩa rất quan trọng với Nga, do Hạm đội Biển Đen hải quân Nga không được đi qua eo biển Bosphorus do nước này đang xung đột với Ukraine.
Viễn cảnh Nga duy trì lực lượng hải quân thường trực tại Libya đã trở thành mối lo ngại với NATO. "Chiến hạm và tàu ngầm Nga hiện diện ở Địa Trung Hải là điều đáng lo, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi họ cách chúng ta chỉ vài bước chân, thay vì cách xa 1.000 km", Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nói.
"Nga chưa triển khai tàu hải quân tới Tobruk, đây là bước đi thông minh vì động thái như vậy sẽ khiến NATO gấp rút triển khai lực lượng đối phó", Harchaoui nêu quan điểm.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định Libya không đủ sức thay thế hoàn toàn Syria. Vận tải cơ Nga chỉ có thể bay thẳng từ nước này tới Libya nếu đi qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, mang lại cho Ankara con bài mặc cả với Moskva.
"Chưa có thỏa thuận pháp lý nào giữa Nga và Libya như ở Syria. Tướng Haftar có thể buộc Nga rút lực lượng bất cứ lúc nào hoặc yêu cầu họ cung cấp vũ khí tiên tiến hơn, điều mà Moskva khó lòng chấp nhận", Ulf Laessing, người đứng đầu Chương trình Sahel thuộc Quỹ Konrad Adenauer ở Mali, cảnh báo.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, AFP, AP)