Liên Hợp Quốc ngày 16/9 quyết định cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng tuần sau bằng video được ghi hình trước. Quyết định được thông qua với 101 phiếu ủng hộ, 7 phiếu phản đối và 19 phiếu trắng. 7 quốc gia phản đối gồm Nga, Belarus, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Nicaragua và Syria.
Belarus, đồng minh thân cận của Nga, tìm cách điều chỉnh quyết định của LHQ để không nhắc đến Ukraine và cho phép mọi lãnh đạo thế giới gặp trở ngại trong quá trình đi lại đều được phép phát biểu qua video tại kỳ họp năm nay. Tuy nhiên, đề xuất của Minsk bị bác bỏ với 23 phiếu ủng hộ, 67 phiếu phản đối và 27 phiếu trắng.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết Moskva luôn ủng hộ "ngoại giao trực tiếp tại LHQ", cáo buộc các đối tác phương Tây tiêu chuẩn kép và "chính trị hóa một quy trình".
"Nếu Đại hội đồng cho phép phát biểu qua video trong phiên thảo luận chung, quyền này phải được cấp cho bất cứ lãnh đạo nào cần nó", ông Polyanskiy nói. "Trong khi đó, đại diện các quốc gia châu Phi, những người thường xuyên gặp trở ngại khi đến New York dự họp, lại bị từ chối quyền tương tự".
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya bày tỏ hài lòng với quyết định trên, cho rằng LHQ sẽ có cơ hội được nghe Tổng thống Zelensky "đánh giá chiến sự sẽ kết thúc thế nào, ảnh hưởng từ cuộc xung đột đến các vấn đề toàn cầu và LHQ ra sao".
Phái đoàn Ukraine tại LHQ trước đó cho biết ông Zelensky không thể tham dự trực tiếp cuộc họp lãnh đạo thế giới thường niên của Đại hội đồng vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng vào chiều 21/9.
Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ diễn ra từ ngày 13 đến 27/9 tại trụ sở ở New York, Mỹ. Tuần lễ cấp cao diễn ra ngày 20-26/9 với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên. Tại hai kỳ họp trước đó, các lãnh đạo thế giới được phép phát biểu qua video do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Như Tâm (Theo Reuters, AP)