Thiết bị do các nhà nghiên cứu tại Học viện Hậu cần Quân sự Nga phát triển và đã được đăng ký bằng sáng chế, hãng thông tấn TASS ngày 23/1 cho biết. Nó có khả năng "mô phỏng chính xác các đặc điểm của một vụ nổ hạt nhân trên mặt đất, gồm hiệu ứng va chạm, chớp sáng và đám mây hình nấm".
"Phát minh này sẽ được sử dụng trong các cuộc diễn tập và huấn luyện thực tế của quân đội, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lục quân trong kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như huấn luyện binh chủng phòng hóa, sinh, xạ cách xác định thông số và tâm chấn của vụ nổ", TASS cho biết.
Thiết bị được phát triển để thay thế dòng IU-59 đã cũ và không còn được sản xuất. Quân đội Nga còn sử dụng bom huấn luyện IAB-500 để mô phỏng vụ nổ của bom hạt nhân RN-24, song IAB-500 được phát triển để sử dụng bởi máy bay hoạt động ở tiền tuyến, nên huấn luyện binh chủng phòng hóa, sinh, xạ bằng loại bom này là phương án "không khả thi về kinh tế".
Mẫu này cũng đã bị loại biên từ năm 1984 và hiện không còn được chế tạo để phục vụ huấn luyện.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Nga và phương Tây gần đây gia tăng liên quan tới chiến sự ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột hạt nhân. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/1 bác đề xuất của Mỹ về nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí hạt nhân, cho rằng Washington cần phải dừng viện trợ cho Ukraine trước hai bên có thể quay lại đàm phán.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 11/1 cảnh báo Moskva có thể sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine tấn công các địa điểm phóng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga. Ukraine gần đây thường xuyên triển khai máy bay không người lái (UAV) tầm xa để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, như kho dầu, cơ sở chứa khí đốt hay nhà máy quốc phòng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 2/2023 đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với lý do Mỹ và phương Tây vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm mang phóng chúng.
Hiệp ước cũng quy định hai bên có quyền thanh sát kho vũ khí của đối phương để đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ, song hoạt động này đã bị dừng từ tháng 3/2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tới nay chưa được nối lại.
Theo các chuyên gia, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Nước này và Mỹ hiện nắm giữ khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh.
Phạm Giang (Theo TASS, Newsweek)