"Chúng tôi từng tuyên bố không triển khai vũ khí nào sau vụ Mỹ thử tên lửa. Nga chắc chắn sẽ chế tạo những vũ khí như vậy, nhưng chúng tôi sẽ không triển khai chúng tại khu vực Mỹ chưa bố trí tên lửa cùng loại", Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay phát biểu trong phiên họp Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại thành phố Vladivostok.
Ông chủ Điện Kremlin cho rằng các hệ thống tên lửa Mỹ dự định triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đe dọa lãnh thổ Nga. "Chúng tôi hiểu điều này nhằm đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên, nhưng nó cũng gây vấn đề đáng kể với chúng tôi. Các vũ khí đó có thể bắn tới nhiều mục tiêu sâu trong đất Nga, bao gồm cả vùng Viễn Đông", Tổng thống Putin nói thêm.

Hệ thống Iskaner-K khai hỏa trong cuộc tập trận Zapad 2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Quân đội Mỹ hôm 18/8 khai hỏa tên lửa hành trình từ bệ phóng mặt đất ở đảo San Nicolas thuộc bang California, đánh trúng mục tiêu cách đó hơn 500 km. Đây là biến thể của dòng Tomahawk, sử dụng bệ phóng thẳng đứng Mark 41 nhưng không giống loại bệ trang bị cho lá chắn Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Romania.
Mẫu tên lửa tầm trung này vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), trong đó cấm Mỹ và Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF chỉ hai tuần trước khi tiến hành vụ thử.
Tổng thống Putin sau đó ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác phân tích mối đe dọa từ vụ thử tên lửa để tìm biện pháp đáp trả, dù nói rằng Nga "không muốn và sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tàn khốc, tốn kém". Giới chuyên gia cho rằng Moskva đang sở hữu nhiều tên lửa hiện đại như Iskander và Kalibr, được coi là "những lá bài tủ" để nhanh chóng đối phó với việc Washington rút khỏi INF.
Vũ Anh (Theo TASS)