"Động cơ của Washington rất rõ ràng", Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ngày 29/4 viết trên Telegram, cảnh báo "nhiều thế hệ công dân Ukraine tương lai sẽ phải trả nợ" cho vũ khí, đạn dược và lương thực được Mỹ chuyển giao vì nó quy định điều kiện giao hàng là Kiev phải "trả lại hoặc bồi hoàn các vật tư quân sự được cho mượn hay cho thuê".
Ông Volodin giải thích chương trình Cho vay - Cho thuê (Lend - Lease) của Mỹ như thời Thế chiến II về cơ bản là khoản vay hàng hóa và "không phải khoản vay rẻ". "Khi chấp nhận cơ chế Lend - Lease, ông Zelensky đẩy cả đất nước vào hố nợ", ông Volodin viết.
Trong Thế chiến II, Liên Xô từng nhận khí tài quân sự từ Mỹ theo chương trình tương tự. Ông Volodin cho biết Liên Xô phải trả nợ tới năm 2006, chuyển nhiều hàng hóa như bạch kim, vàng và gỗ tới Mỹ.
Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Nhận định của ông Volodin được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ ngày 28/4 phê chuẩn Dự luật Cho vay - Cho thuê Phòng vệ Dân chủ Ukraine 2022 với 417 phiếu thuận và 10 phiếu chống, ba tuần sau khi dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua. Dự luật sẽ được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
Dự luật sẽ hồi sinh chương trình viện trợ Lend - Lease thời Thế chiến II, trong đó cho phép Mỹ cho vay hoặc viện trợ khí tài quân sự đến các nước đồng minh trong thời gian ngắn nhất. Nó tách biệt với nỗ lực chuyển vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine đã diễn ra.
Đạo luật Lend - Lease được Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký ngày 11/3/1941, đánh dấu thời điểm Mỹ tham gia Thế chiến II, và kết thúc ngày 29/9/1945.
Các mặt hàng được Mỹ viện trợ cho phe Đồng minh trong giai đoạn này gồm tàu chiến, máy bay, xe tăng, phương tiện cơ giới, trang thiết bị quân sự, thực phẩm và dầu mỏ. Điều khoản đạo luật quy định khí tài quân sự phải được sử dụng cho đến khi trả lại hoặc bị tiêu hủy. Trên thực tế, sau Thế chiến II, chỉ có một số tàu chiến được hoàn trả cho Mỹ, hầu hết vũ khí đã bị phá hủy trong chiến tranh.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, RT)