Nga cảnh báo Mỹ về việc thành lập lực lượng quân đội vũ trụ. Video: TTXVN.
"Quân sự hóa vũ trụ sẽ dẫn tới thảm họa. Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ được ký năm 1967, họ sẽ đối mặt với những phản ứng cứng rắn từ Nga và nhiều quốc gia khác, nhằm bảo đảm an ninh quốc tế", RT dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Nga Viktor Bondarev phát biểu hôm 20/6.
Bondarev khẳng định Washington có khả năng vi phạm nhiều thỏa thuận quốc tế về phi quân sự hóa vũ trụ, đẩy an ninh thế giới vào mối nguy hiểm đáng sợ.
Thỏa thuận không gian (OST) năm 1967 cấm các nước thành viên, trong đó có Mỹ, triển khai vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Các quốc gia cũng không được phép thử vũ khí trên không gian, hay xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng và các hành tinh khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/6 yêu cầu Lầu Năm Góc lập tức bắt đầu quá trình thành lập Quân chủng Vũ trụ (SF), quân chủng thứ 6 của các lực lượng vũ trang Mỹ.
Trump đề xuất thúc đẩy các chuyến bay có người lái tới sao Hỏa và xây dựng "sự hiện diện dài hạn" của Mỹ trên Mặt Trăng, nhưng không đề cập liệu quân đội Mỹ có tham gia các dự án này hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nhắc tới "sự thống trị" trong vũ trụ và coi đó là vấn đề an ninh quốc gia.
Giới phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân khiến Washington coi vũ trụ là lĩnh vực tác chiến mới, đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
Quân đội Mỹ cần duy trì ưu thế trong không gian, bởi đây là điều kiện cần thiết cho hoạt động tác chiến, tương tự cách không quân Mỹ kiểm soát bầu trời trước khi bộ binh tiến vào chiến trường. Sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc và Nga cũng khiến việc thành lập Quân chủng Vũ trụ rất quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các nước khác đang bắt kịp Washington trong lĩnh vực không gian.