Renat Karchaa, cố vấn của tổng giám đốc công ty năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom, hôm 4/5 cho biết nếu đập Kakhovka trên thượng nguồn sông Dnieper ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine bị vỡ, hệ thống cấp điện cho các trạm bơm của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ bị ngập lụt.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận hành của nhà máy và gây nguy cơ về an toàn hạt nhân", ông Karchaa cho hay.
Theo ước tính của ông, ít nhất ba khu vực đông dân cư sẽ bị ngập lụt nếu đập Kakhovka bị vỡ, bao gồm Kamenka-Dneprovskoye, Blagoveshchenka và Vodyanoye, nơi sinh sống của khoảng 15.000-18.000 người.
"Có thể có hai giải pháp. Một là người Ukraine ngừng pháo kích và để chúng tôi sửa các cửa đập đã bị đạn pháo của họ làm hỏng. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ xả thêm nước và nguy cơ vỡ đập sẽ bị loại bỏ. Hai là sơ tán tất cả người dân ở đó", ông nói.
Vladimir Rogov, quan chức chính quyền do Nga bổ nhiệm ở tỉnh Zaporizhzhia, cho biết mực nước trong hồ chứa Nova Kakhovka đã tăng 17 mét, cao hơn 2,5 mét so với mức bình thường. Ông này cảnh báo rằng vụ vỡ đập có thể gây ngập lụt với hàng chục nghìn cư dân ở hạ lưu.
Nga đang kiểm soát khoảng 73% diện tích tỉnh Zaporizhzhia, một trong 4 tỉnh Moskva tuyên bố sáp nhập hồi cuối năm ngoái, cũng là nơi đặt nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu. Quân đội Nga tiến vào nhà máy từ hồi tháng 3/2022, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành.
Tháng 11 năm ngoái, sau khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson, ảnh vệ tinh cho thấy con đập chịu thêm những hư hại đáng kể. Hai bên cáo buộc nhau lên kế hoạch phá đập bằng cách sử dụng chất nổ, có thể làm ngập phần lớn khu vực hạ lưu và gây ra sự tàn phá lớn xung quanh Kherson.
Cảnh báo của ông Karchaa trái ngược với bình luận của quan chức Ukraine hồi cuối tháng 3, những người nói rằng họ lo ngại nhà máy Zaporizhzhia có thể đối mặt tình trạng thiếu nước để làm mát các lò phản ứng vào cuối mùa hè vì lực lượng Nga đã xả nước khỏi hồ chứa cung cấp cho nhà máy.
Nhà máy Zaporizhzhia từng sản xuất 20% lượng điện cho toàn bộ Ukraine và tiếp tục vận hành trong những tháng đầu chiến sự. Nó vẫn kết nối với mạng lưới năng lượng Ukraine, nhưng đã ngừng cấp điện và chỉ tiêu thụ năng lượng để làm mát lò phản ứng, tránh tình trạng quá nhiệt có thể gây thảm họa hạt nhân.
Nhà máy là trung tâm của cuộc khủng hoảng an ninh hạt nhân do các cuộc pháo kích gần như liên tục trong vùng lân cận. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những cuộc pháo kích này. Các đợt không kích và pháo kích từng gây gián đoạn lưới điện và buộc nhân viên nhà máy sử dụng máy phát khẩn cấp chạy bằng diesel.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters, Pravda)