"Về vấn đề củng cố biên giới phía tây vì những hành động của NATO, điều này cần được cân nhắc đặc biệt. Tôi đề nghị các vị chuẩn bị báo cáo", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong cuộc họp Hội đồng An ninh ngày 11/3.
Ông Shoigu cho biết giới chức quân sự sắp hoàn thiện kế hoạch củng cố sườn tây đất nước, "bao gồm triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến mới nhất và tái bố trí các đơn vị chiến đấu để bảo vệ biên giới phía tây".
Các nước thành viên NATO đã triển khai hàng nghìn binh sĩ đến Trung Âu và Đông Âu nhằm đề phòng chiến sự tại Ukraine lan rộng ra ngoài biên giới. 4 quốc gia thành viên NATO gồm Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia có chung biên giới với Nga, trong khi Ukraine giáp với Hungary, Romania và Slovakia.
Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), cũng đang chuyển vũ khí cho Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Hà Lan gửi tên lửa cho lực lượng phòng không Ukraine, Estonia chuyển tên lửa chống tăng Javelin, Latvia gửi tên lửa phòng không vác vai Stinger và Cộng hòa Czech gửi súng máy, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hứa cung cấp hàng chục nghìn quả đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối, máy bay trinh sát không người lái và các vũ khí khác. Đức, quốc gia từ lâu không gửi vũ khí tới các khu vực xung đột, cũng đảo ngược quy định và gửi tên lửa Stinger cùng trang thiết bị quân sự cho Kiev.
Thụy Điển, quốc gia trung lập và không phải thành viên NATO, tuyên bố gửi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ sắt, 5.000 áo giáp, 135.000 khẩu phần ăn dã chiến và 52 triệu USD. Một quốc gia trung lập khác là Phần Lan cũng nói sẽ cung cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến cho Ukraine.
Mỹ và các đồng minh trong NATO đã loại bỏ phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, do lo ngại nguy cơ nổ ra xung đột trực tiếp với Nga.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)