Một chiếc Tupolev Tu-160 của không quân Nga. Ảnh: Airliners. |
Chiếc máy bay mới ra lò tại nhà máy Kazan mang tên Vitaly Kopylov, nhằm tôn vinh người lãnh đạo cơ sở chế tạo này từ năm 1973 đến 1993. Nó được chuyển giao cho trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 121, hôm 29/4. Chiếc máy bay này có nhiệm vụ thực hiện các chương trình huấn luyện chiến đấu. Không quân Nga sẽ còn nhận thêm 4 đến 5 chiếc Tu-160 mới trước cuối năm nay.
Tổng cộng hiện không quân Nga có 16 chiếc Tu-160, mỗi chiếc mang được 12 quả tên lửa hành trình X-55 có tầm bắn trên 3.000 km. Liên Xô trước khi tan rã năm 1991 sở hữu tổng cộng 36 chiếc máy bay ném bom loại này. Nhưng sau khi tuyên bố độc lập, Ukraina đã chiếm giữ 20 chiếc tại thành phố Priluki.
Theo Hiệp định Lisbon ký kết giữa các nước Ukraina, Belarus, Kazakhstan, Mỹ và Nga, nhóm 3 nước đầu tiên không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như phương tiện tác chiến loại vũ khí huỷ diệt này. Sau đó, 12 chiếc Tu-160 của Ukraina được cắt ra thành từng mảnh trước sự chứng kiến của các thanh sát viên và nhà báo quốc tế.
Còn lại 8 chiếc Tu-160 của Ukraina cuối cùng được chuyển giao cho phía Nga, sau các cuộc đàm phán kéo dài như là hình thức thanh toán những món nợ về khí đốt của Kiev đối với Matxcơva. Tuy nhiên, những chiếc phi cơ hạng nặng này phải đưa về nhà máy ở Kazan để đại tu và nâng cấp.
Tupolev Tu-160 |
- Đội bay: 4 người. |
Máy bay Tupolev Tu-160 được thiết kế để phóng các loại vũ khí hạt nhân và thông thường, chống những mục tiêu sống còn của đối phương ở những khu vực xa xôi. Nhưng không giống như loại máy bay tương đương của Mỹ là Boeing B-1 Lancer, phi cơ Tu-160 của Nga chưa từng tham gia các chiến dịch quân sự thực tế.
Từ cuối thập kỷ 80 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tupolev Tu-160 thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tầm xa tại Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Khi đó chúng không hề mang theo vũ khí nhưng Matxcơva đã không tiết lộ về điều này.
Sau hơn một thập kỷ gián đoạn do Liên Xô sụp đổ và tình hình khó khăn tại Nga, đến 17/8 năm ngoái Tổng thống Vladimir Putin đã lệnh nối lại hoạt động tuần tra tầm xa bằng các máy bay chiến lược, trong đó có Tu-160 cà Tu-95. Cũng giống như trước đây chúng chỉ mang theo vũ khí giả khi làm nhiệm vụ.
Kể từ đó, những chiếc Tupolev Tu-160 và Tu-95 thường xuyên bay tuần tra tới vùng Bắc Đại Tây Dương và lần nào cũng được các máy bay chiến đấu của NATO áp tải. Đại tướng Alexander Zelin, tư lệnh lực lượng không quân Nga ví von rằng, đây cũng là cách thức rất tốt để huấn luyện cho các phi công của NATO.
Cả hai bên đều nỗ lực nhằm tránh sự đối đầu trực tiếp nên các phi công NATO luôn giữ khoảng cách cần thiết với các máy bay ném bom Nga. Cho đến nay, trình độ chuyên môn điêu luyện của cả phi công Nga lẫn NATO đều chưa để xảy ra tình huống khẩn cấp nào, sau một thời gian Matxcơva nối lại tuần tra tầm xa.
Báo chí thỉnh thoảng đưa tin về việc máy bay Nga áp sát các tàu sân bay Mỹ khiến dư luận chú ý. Nhưng theo tướng Zelin thì các phi công Nga không vi phạm bất cứ thoả thuận quốc tế nào. Hơn nữa, Nga cũng luôn báo trước cho NATO về các điệp vụ tuần tra của mình bằng Tu-160 và Tu-95 dù không có nghĩa vụ phải làm như vậy.
Máy bay Tupolev Ru-95. Ảnh: Domedia. |
Máy bay ném bom Tu-160 bắt đầu được sản xuất hàng loạt kể từ năm 1984 và biên chế vào lực lượng không quân Nga năm 1987. Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ đến nay mới chỉ có một chiếc loại này được sản xuất và đưa vào sử dụng năm 2000. Giới quân sự phương Tây mệnh danh dòng máy bay chiến đấu đa năng này là Blackjack (chiếc dùi cui).
Sức mạnh của Tupolev Tu-160 được thể hiện trong hai khoang chứa vũ khí khổng lồ, mang các loại tên lửa hành trình có thể gắn đầu đạn hạt nhân, tên lửa có hướng dẫn tầm thấp, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thuỷ lôi.
Còn những chiếc Tu-95 được thiết kế cho ném bom hạt nhân, với tính năng tương đương pháo đài bay B-52 của Mỹ. Nga đã cải tiến loại máy bay biểu tượng thời Chiến tranh Lạnh này cho các hoạt động trinh sát và tuần tra trên biển.
Tu-95 có thời gian phục vụ lâu nhất trong không quân Liên Xô trước đây và dự kiến nó sẽ vẫn hoạt động ít nhất đến năm 2040. Hiện đây vẫn là dòng máy bay ném bom chiến lược duy nhất trên thế giới chạy bằng động cơ tuabin phản lực cánh quạt.
Đình Chính (theo Ria, Wiki)