Tờ Der Spiegel hôm nay cho biết Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) có thể đứng sau vụ tấn công nhằm vào hệ thống của quốc hội Đức, song không tiết lộ nguồn tin.
Cảnh sát hình sự và cơ quan an ninh mạng liên bang Đức đã tái dựng một phần vụ tấn công, phát hiện hai hộp thư email thuộc văn phòng cử tri của Thủ tướng bị nhắm mục tiêu. Tin tặc được cho là đã sao chép toàn bộ email năm 2012-2015 trong hai hộp thư trên sang một máy tính khác.
Giới chức Đức và Nga chưa có bình luận về thông tin.
Hạ viện Đức hồi tháng 5/2015 phát hiện các hệ thống của mình bị đột nhập. Cơ quan này sau đó kết luận các vụ đột nhập được thực hiện từ đầu năm 2015, song không thể xác định thông tin nào đã bị đánh cắp.
Sueddeutsche tuần này đưa tin các công tố viên Đức đã ban hành lệnh bắt một cá nhân liên quan đến vụ tấn công hồi năm 2015. Tuy nhiên, cơ quan công tố Đức không bình luận về thông tin trên.
Tình báo quân sự Nga từng bị nghi tấn công email của Ủy ban Quốc gia Đảng dân chủ Mỹ và John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Hilary Clinton hồi tháng 3/2016. Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barrack Obama năm 2016 áp đặt lệnh trừng phạt bốn sĩ quan cao cấp của GRU với cáo buộc tham gia vụ tấn công.
GRU là cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. GRU được thành lập năm 1920 với tên gọi Cục Điều phối Các cơ quan Tình báo quân đội. Tuy nhiên, vai trò của GRU thời đó thường ít được biết đến và được cho là chịu sự quản lý của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB).
Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu sĩ quan tình báo, được cho đóng vai trò lớn trong khôi phục vị thế của GRU. Một cựu điệp viên CIA từng hoạt động tại Nga nói Putin muốn nhiều cơ quan tình báo cạnh tranh với nhau và tạo điều kiện cho GRU "hồi sinh".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)