Truyền thông Anh tuần này đưa tin các cơ quan an ninh báo cáo với các bộ trưởng nước này rằng họ có "bằng chứng chắc chắn" cho thấy Nga đánh cắp công thức vaccine do Anh phát triển và dùng nó để tạo ra Sputnik V. Văn phòng Thủ tướng Anh từ chối bình luận.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) khẳng định thông tin trên là giả và là "lời nói dối trắng trợn". Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, ngày 13/10 gọi những lời cáo buộc là "điều vô nghĩa về mặt khoa học".
"Những tuyên bố đó không có giá trị nào và chúng tôi rất rõ ràng về điều này", Dmitriev nói. "Thông tin đó vô nghĩa về mặt khoa học, vô giá trị và thành thật mà nói, đó là một lời nói dối".
Dmitriev nói "thông tin vô nghĩa từ các nguồn giấu tên" là một phần của chiến dịch bôi nhọ vaccine Sputnik V "do một số chính trị gia không thích Nga và một số hãng dược phẩm lớn ganh ghét với thành công của vaccine này tiếp tục công kích Sputnik V và Sputnik Light. Chúng tôi đã quá quen với kiểu công kích này".
Dmitriev khẳng định đơn vị phát triển Sputnik V muốn trở thành đối tác với các nhà sản xuất vaccine khác, đồng thời nhắc đến việc họ đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng chung với AstraZeneca nhằm xác định tiêm trộn có hiệu quả hay không.
"Chúng tôi tin tưởng vào việc hợp tác với các hãng sản xuất vaccine khác và Sputnik V là đối tác của các loại vaccine Covid-19", ông nói.
RDIF thuộc quản lý của chính phủ Nga và sở hữu số vốn khoảng 10 tỷ USD. Quỹ này hỗ trợ phát triển Sputnik V, vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép vào tháng 8/2020. Kết quả phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trên 20.000 người, được công bố trên tạp chí Lancet hồi tháng hai, cho thấy Sputnik V đạt hiệu quả 91.6%.
Sputnik V chưa được các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang đánh giá Sputnik V, song chưa thông báo liệu có thể đưa vaccine này vào danh sách cấp phép khẩn cấp hay không.
Nga còn phát triển mốt số loại vaccine Covid-19 khác, bao gồm Sputnik Light với liệu trình một mũi được sử dụng làm liều tăng cường. RDIF hồi tháng 8 cho biết Sputnik Light đạt hiệu quả 93,5% trong cuộc thử nghiệm với hơn 320.000 người.
Dmitriev hy vọng Sputnik V sẽ được WHO cấp phép vào cuối năm 2021 và Sputnik Light có thể được dùng làm liều tăng cường cùng các sản phẩm khác. "Chúng tôi gần đây thấy những tín hiệu rất tích cực từ WHO và họ đánh giá cao những gì chúng tôi đang làm", Dmitriev nói.
"Sputnik Light có thể được dùng làm liều tăng cường cho các loại vaccine khác như AstraZeneca và Moderna. Chúng tôi mong chờ WHO cấp phép sớm nhất có thể", Dmitriev cho biết.
AZD1222, còn gọi là Covishield do Oxford-AstraZeneca của Anh phát triển, và Sputnik V do viện nghiên cứu Nga Gamaleya sản xuất cùng sử dụng công nghệ vector virus. Chúng sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Nguyễn Tiến (Theo CNBC)