Tháng 3/2021, công ty đấu giá Anh Christie's thu hút sự chú ý khi bán bức ảnh ghép kỹ thuật số của nghệ sĩ Beeple với giá gần 70 triệu USD, khởi đầu cho sự bùng nổ NFT. Cùng năm, NFT được chọn là từ của năm vì mức độ phổ biến trên toàn cầu.
Cơn sốt NFT tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm nay. Hồi tháng 1, ngôi sao nhạc pop Justin Bieber trả 1,29 triệu USD cho NFT hình vượn Bored Ape Yacht Club (BAYC). Nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng sở hữu một số NFT trong bộ sưu tập này, từ Michael Jordan cho đến cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump.
Nhưng đến nửa cuối năm, mọi thứ quay ngược 180 độ. Tương tự thị trường tiền số, giá trị của hầu hết NFT lao dốc. Unsellable, nền tảng chuyên mua lại NFT, nhận thấy đa số khách hàng của mình đang "chìm đắm trong đau khổ".
"Tất nhiên, trong mọi loại hình đầu tư đều sẽ có những người thua cuộc. Nhưng vấn đề của NFT không phải chỉ giảm giá. Hầu hết chúng giờ đây vô giá trị, kém thanh khoản và không thể bán được", Unsellable cho biết.
Với việc "không thể bán được", Unsellable đang lên kế hoạch "xây dựng bộ sưu tập NFT vô giá trị lớn nhất thế giới" bằng cách mua các tác phẩm với giá tốt - mức giá tốt hơn thị trường hiện tại, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì chủ nhân của chúng đã bỏ ra. Hiện website này đã mua khoảng 1.600 bộ sưu tập kỹ thuật số với mục đích tạo ra "tác cuối cùng của những ngày đầu hình thành Web3".
Theo công ty phân tích blockchain Chainalysis, hơn 19 tỷ USD đã được chi cho NFT từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. Nhưng từ đó đến nay, mức chi tiêu giảm mạnh. Trong tháng 11, số tiền được sử dụng để mua NFT còn khoảng 442 triệu USD, giảm 87%. Riêng số nhà giao dịch NFT đang hoạt động đã giảm khoảng 2/3 so với mức cao nhất một năm trước.
Trong khi đó, thống kê của trang theo dõi thị trường blockchain Nonfungible, đã có 144.000 NFT đã được bán chỉ riêng trong tháng 1 với 142 triệu USD. Nhưng trong tháng 12 tính đến ngày 27/12, chỉ còn khoảng 17.000 NFT được trao đổi với số tiền 28.000 USD.
Đến nay, bộ sưu tập NFT giá trị nhất vẫn thuộc về BAYC. Mỗi NFT là sự kết hợp độc đáo của 170 đặc điểm như biểu cảm, mũ, quần áo... Gần đây, công ty đứng sau là Yuga Labs đối mặt với một số vụ kiện tập thể về việc thổi phồng các tác phẩm của mình một cách phi thực tế. Những nhân vật nổi tiếng đã quảng bá và mua bộ sưu tập như Justin Bieber, Paris Hilton, Madonna, Jimmy Fallon và Kevin Hart cũng bị cuốn vào vụ kiện.
Ngay cả những người tạo ra NFT cũng nhận thấy sự thổi phồng của thị trường. Mike Winkelmann, tên thật của Beeple, tuần trước thừa nhận mọi thứ đã đi quá xa. "Thị trường hiện tại có những điều không tưởng", ông nói với Bloomberg. "Tôi không biết nó có quay lại như cũ hay không, nhưng chắc chắn chưa thể đi lên vào lúc này".
Bảo Lâm (theo Guardian)