Họa sĩ có biệt danh Robness tại Los Angeles, Mỹ, cho biết ảnh thùng rác được anh tải trên Internet, bổ sung các hiệu ứng thị giác, đặt tên 64 Gallon Toter và rao bán trên nền tảng NFT SuperRare. Tác phẩm này từng được tải lên mạng vài năm trước, nhưng bị xóa với lý do vi phạm bản quyền. "Tôi tải lên nhưng nó bị xóa. Họ nghĩ tôi vi phạm bản quyền khi lấy ảnh của Home Depot và đe dọa áp dụng hành động pháp lý với tôi", họa sĩ này cho biết.
Tuy nhiên, Robness bất ngờ khi thấy ảnh xuất hiện lại sau hai năm. SuperRare giải thích rằng cộng đồng ban đầu không coi đó là tác phẩm nghệ thuật, nhưng "nhiều thứ đã thay đổi" và quan điểm của họ cũng được điều chỉnh.
NFT thùng rác dần thu hút sự chú ý, kéo theo sự ra đời của hàng nghìn phiên bản sao chép. Một nhà sưu tập đã liên hệ riêng với Robness để tìm hiểu về tác phẩm gốc.
"Đó là một trong ba thùng rác NFT trên SupeRare và tôi đã bán cho nhà sưu tập này. Chúng tôi nói khoảng 30-45 phút về câu chuyện hài hước xoay quanh nó. Ông ấy cười suốt và muốn sưu tập bức tranh, nên tôi đã ra giá", Robness kể.
Mức giá 250.000 USD đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Robness. Anh từng phải ngủ trong ôtô và làm đủ nghề đề kiếm sống từ năm 2014, nhưng các khoản thu từ NFT đã giúp bảo đảm cuộc sống ổn định cho họa sĩ này.
Bức ảnh thùng rác phản ánh thực tế của thị trường NFT hiện nay, khi nhiều tác phẩm bị nghi ngờ về giá trị nghệ thuật nhưng lại được bán giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD.
Chẳng hạn, một người Singapore thu về hơn 5,8 triệu USD khi bán các bức ảnh của cô trên sàn OpenSea. Một sinh viên ở Indonesia cũng trở thành hiện tượng trên Internet hồi tháng 1, sau khi quyết định biến 933 ảnh selfie của mình thành NFT và đưa lên sàn giao dịch..
Điệp Anh (theo Mashable)