Tôi không có điều kiện được đến New Zealand học, hay làm việc trong một thời gian dài đủ để cảm nhận trọn vẹn về nơi đây. Nhưng chỉ qua một dịp công tác ngắn ngủi vẫn khiến tôi quyết tâm quay trở lại.
Đó là một chuyến công tác ngắn vỏn vẹn hai ngày vào cuối tháng 9/2013. Sau đó, tôi quyết định “gia hạn” vài ngày nữa để khám phá chút gì đó thỏa mãn sự tò mò.
Cảm giác buồn ngủ bủa vây tôi khi tôi đặt chấn đến Auckland, kim đồng hồ quay nhanh hơn Sài Gòn đến 5 tiếng. Trên đường đến khách sạn, mùi của gió biển, hương của núi, kích thích và đánh thức tôi khỏi cơn buồn ngủ. Xuân đang đến nơi đây, trong khi cả thế giới đang dần chìm vào thu. Tôi bắt đầu thấy hứng thú...
Tôi khởi động hai ngày đầu tiên bằng những cuộc họp bận rộn. Nhờ những cuộc trò chuyện, tôi hiểu thêm rằng người dân nơi đây rất thân thiện. Những người bạn mới kể tôi nghe về cuộc sống của họ một cách tự nhiên. Thực sự, cuộc sống ở đây mang một phong thái bình dị, thư thả. Mọi người làm việc vừa đủ để còn dành thời gian cho gia đình, cho bạn bè và nghỉ ngơi. Vì thế, dù là thành phố trung tâm, nhưng sự bình yên, đơn giản, và thư giãn hiện diện mọi ngõ ngách ở Auckland.
Tôi tìm hiểu các điểm đến qua internet và quyết định “phượt” một mình bằng những chuyến xe bus. Tâm lý chung của những người lần đầu tiên đến một nơi xa lạ thường hay sợ hãi. Nhưng hệ thống xe bus ở đây rất hiện đại và tiện nghi, bạn có thể tự xác định điểm đến trong hành trình của mình rồi leo lên xe mà không phải bận tâm vì không có người dẫn đường.
Từ Auckland, tôi đi về phía nam New Zealand theo hành trình Auckland-Matamata-Rotorua. Matamata là một phần thuộc vùng Waikato của đảo Bắc, vùng đất của những khu nông trại bậc nhất New Zealand. Tôi ghé Matamata để đến Hobbiton Moive Set. Quả là một nơi tuyệt vời ngay từ những cái click đầu tiên khi tìm thông tin về nó trên Internet. Thảo nguyên bao la xanh tươi, điểm trắng xinh xinh bằng từng đàn cừu dẫn tôi đến “ngôi làng” của bộ tộc lùn Hobbit. Thế giới cổ tích như hiện ra trước mắt, và bạn như bước vào câu chuyện Người Hobbit khi chính bạn đang đứng giữa vùng đất kỳ lạ với những ngôi nhà nhỏ Hobbit Bag, Cây Thần Tiên, hay Khu vườn Tiệc Tùng, và cả Bag End của Bilbo và Frodo Baggin nữa…Nếu bạn đã từng xem siêu phẩm “Chúa Tể những chiếc nhẫn” thì sẽ vô cùng thích thú khi biết trước mặt mình chính là nguyên bản phim trường cho những cảnh đầu tiên của phim này.
Đường đến Rotorua đón tôi bằng những đồng cỏ nối tiếp nhau dọc đường đi, vài chú bò thanh thơi gặm cỏ. Hình như đồng cỏ ở đây nhiều và rộng hơn những số liệu về diện tích mà tôi đã từng biết. Người New Zealand yêu thiên nhiên, diện tích đất tự nhiên lại nhiều trong khi mật độ dân số thấp, bạn có thể thấy bất cứ ngôi nhà nào cũng có khuôn viên vườn rất rộng, họ tự tay trồng đủ mọi loại hoa lá cây trái, hoa tươi ngập sắc khắp lối. Tôi không dám ngủ, dù chỉ là chợp mắt trong tích tắc vì sợ phải bỏ lỡ một khoảnh khắc nào…
Tôi được người bạn giới thiệu P - một người Việt Nam đang sống cùng gia đình tại Rotorua gần 10 năm nay để hỏi thông tin về chuyến đi. Cô giúp tôi thật nhiệt tình đến nỗi tôi mất hết cảm giác cô đơn và ngại ngần ban đầu. P đón tôi tại trạm xe bus, và giới thiệu tôi với gia đình cô. Tôi thật sự ngạc nhiên khi mọi người đối xử rất tử tế và thân thiện với tôi như một thành viên trong gia đình. Họ kể cho tôi nghe về cuộc sống của họ nơi đây, về những điều mà họ thật sự hài lòng về nơi đất khách, về ngôi nhà thứ hai của họ, và về những người hàng xóm đáng yêu. Tôi đã đến với Rotorua qua sự giúp dỡ nhiệt tình của những người bạn mới đáng quý ấy.
Nói về Rotorua, đó có thể được gọi là thành phố hoa, nhất là vào mùa xuân, những con đường, góc phố ngập sắc đào, mộc lan, hoa hồng, hay tulip… đặc biệt là đỗ quyên, loài hoa với đủ sắc thái, rực rỡ khắp lối. Rotorua là một trong những điểm du lịch “hot” nhất của New Zealand, là thành phố nổi tiếng về hoạt động địa nhiệt ngay trong vùng núi lửa Taupo với nhiều mạch nước, hay bể bùn khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể cảm nhận mùi lưu huỳnh ở mọi nơi. Tôi ghé Te Puia, thích thú với mạch nước nóng phun cao đến gần 30m và phun mỗi tiến một lần, với hồ nước xanh (Blue Pool) hay những hố bùn sôi đến 95°C; hoặc dừng chân trong rừng thông với những thân cây có đường kính đến vài mét; những hồ nước phẳng lặng trong xanh như nước biển, từng đàn thiên nga đen tung tăng bơi lội và sẵn sàng tiến gần bạn nếu bạn nhử các “cô ấy” bằng vài mẩu bánh mì.
Ở Rotorua, tộc người Maori có mặt trước cả người Anh. Người Maori nổi tiếng vì tình yêu thiên nhiên. Quá trình “khai hóa” của người Anh tại đây đã gặp phải sự chống trả quyết liệt với pháo lũy Te Puia khi phá nát thiên nhiên vốn có của họ. Cho đến bây giờ, tình yêu đó vẫn trường tồn trong cách hóa trang, ăn mặc và cả điều kiện sống của người Maori gần như được giữ nguyên thủy, không có dấu vết của thế giới hiện đại ở đây, mọi thứ nguyên sơ đến kinh ngạc.
Lần đầu tiếp xúc, người Maori dễ khiến bạn hoảng sợ với những hình xăm kỳ dị, lạ mắt, kiểu trợn mắt, lè lưỡi kỳ quái và những vũ điệu hoang dại. Thực tế họ rất hiền lành và thân thiện, những dấu vết kỳ quái ấy chính là tái hiện nguyên bản tình yêu, cách thức mà họ đấu tranh với những người Anh thuở xưa đến đây dám dẫm đạp vào “mẹ thiên nhiên” của họ. Thật dễ hiểu vì sao người Maori được xem là biểu tượng trong ý thức bảo vệ thiên nhiên của người New Zealand.
Trên hành trình đến Rotorua, tôi gặp Sherry, cô bạn đến từ Thượng Hải và được nghe kể về kế hoạch phượt của cô đến đảo Nam trong 5 ngày tới. Chỉ tiếc, thời gian không cho phép tôi đồng hành cùng cô. Ngày quay lại Auckland, Sherry gửi cho tôi những hình ảnh đầu tiên của cô ở Đảo Nam qua Whatsapp khiến tôi một lần nữa ghen tị vì không thể nhìn thấy chúng. Tôi sẽ lại vẽ một hành trình và một ngày nào đó sẽ khám phá thêm những vùng đất mới Wellington, Hanmer Springs, Christchurch, hay Queenstown…
Nếu bạn là người yêu và thích tận hưởng, khám phá thiên nhiên, tôi lấy hết tự tin và đảm bảo, khuyên bạn nên đến New Zealand, và còn để học cách bảo vệ và yêu mẹ thiên nhiên từ người dân nơi đây.
Khiem Nhu Quach