Ngày ấy tôi không nằm trong danh sách những du học sinh sẽ sang New Zealand học chương trình Thạc sĩ Quản lý Giáo dục, mà tôi sẽ sang Úc học tiếp chuyên ngành của mình về Tâm lý học.
Thật bất ngờ khi nghe cô quản lý dự án của Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam gọi điện thông báo rằng, tôi có quyền lựa chọn để sang New Zealand và nhận học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand trong hai năm học Thạc sĩ.
Lúc đầu tôi hơi đắn đo vì cả hai chương trình đều có học bổng toàn phần, nhưng nước Úc trong hiểu biết của tôi thời đó có vẻ phát triển hơn. Sau khi tìm hiểu thêm về những người dân Kiwi thân thiện nhất thế giới, tôi đã quyết định đi New Zealand.
Mùa Xuân năm 2002, tôi cùng bốn người bạn sang học tại trường Sư phạm Dunedin (Dunedin College of Education), nay thuộc Khoa Sư phạm, Đại học Otago ở đảo nam của New Zealand.
Trước cổng trường Sư phạm Dunedin nơi tôi học Sau Đại học và Thạc sĩ. Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngoài những giờ lên lớp và tự học, chúng tôi thường được các cán bộ, giáo viên và bạn bè trong lớp đón về nhà chơi, nấu cho những món ăn truyền thống, và đưa đi thưởng ngoạn các thắng cảnh của New Zealand tươi đẹp.
Cùng cô giáo Gillian McFarlane và các bạn thăm Larnach Castle, Dunedin năm 2002. Ảnh do tác giả cung cấp.
Để nâng cao hiểu biết về văn hóa, xã hội và thực tiễn giáo dục của New Zealand, chúng tôi thường được các thầy cô giáo tổ chức cho đi tìm hiểu tại các trường phổ thông, cùng tham gia dự giờ, trao đổi, trò chuyện với hiệu trưởng, giáo viên và học sinh của trường.
Tôi và các em học sinh trong thư viện của một trường tiểu học ở Dunedin năm 2002. Ảnh do tác giả cung cấp.
Với sự chăm sóc, dạy dỗ hết sức tận tình của các thầy, cô giáo và sự hỗ trợ tối ưu nhất của nhà trường, năm đó mấy anh em chúng tôi đã đạt được kết quả học tập rất ấn tượng trong niềm vui hân hoan và tự hào của tất cả mọi người.
Tốt nghiệp Sau Đại Học về Giáo dục tại trường Sư Phạm Dunedin, năm 2002. Ảnh do tác giả cung cấp.
Cả nhóm chúng tôi đều bảo vệ thành công đề cương nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ để tiếp tục năm học sau. Tôi chọn nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em với mong muốn sẽ góp phần hỗ trợ trẻ em Việt Nam phát triển tốt tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.
Giáo viên hướng dẫn đề tài Thạc sĩ của tôi là Tiến sĩ John Smith, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm - một người rất uyên thâm trong lĩnh vực này. Ông đã và vẫn luôn luôn động viên, khuyến khích tôi không ngừng trên con đường phát nghề nghiệp từ đó đến nay.
Tiến sĩ John Smith và tôi ở trường Sư phạm Dunedin, năm 2002. Ảnh do tác giả cung cấp.
Cuối năm 2003, sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận văn Thạc sĩ tôi trở về Việt Nam công tác. Không lâu sau đó tôi nhận được thông báo từ Đại học học Auckland quyết định trao cho tôi Học bổng Toàn phần với trị giá 150 ngàn đô la New Zealand để hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa học về Giáo dục (Doctor of Philosophy in Education) trong ba năm, bắt đầu từ 2005.
Tôi như muốn vỡ òa trong niềm vui tột độ khi giành được Học bổng cao nhất (the University of Auckland International Doctoral Scholarship) từ ngôi trường danh tiếng bậc nhất New Zealand.
Tòa tháp đồng hồ (The Clock Tower) – biểu tượng đặc trưng của Đại học Auckland. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tôi tiếp tục nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em và đã được nhận vào làm việc tại Đại học Auckland trong thời gian học ở đây. Vì đề tài Luận án Tiến sĩ của tôi gần gũii với một dự án nghiên cứu của Bộ Giáo dục New Zealand, nên Trung tâm Nghiên cứu của chúng tôi (Woolf Fisher Research Centre) tại Khoa Sư phạm đã nhận được một quỹ nghiên cứu khá lớn do Bộ Giáo dục New Zealand cấp.
Tôi đã làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này, đồng thời hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ của mình dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Stuart McNaughton – chuyên gia giáo dục hàng đầu của New Zealand. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Woolf Fisher ở Khoa Sư phạm.
Giáo sư Stuart McNaughton và tôi tại lễ tốt nghiệp năm 2010. Ảnh do tác giả cung cấp.
Hai thầy trò luôn ấp ủ những dự án phát triển giáo dục và trao đổi học thuật với Việt Nam. Năm 2010, chúng tôi nhận được quỹ nghiên cứu từ Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand.
Hai thầy trò đã về Việt Nam tổ chức các buổi xê-mi-na về giáo dục, cùng ban lãnh đạo các trường Đại học và Cao đẳng thảo luận kế hoạch hợp tác phát triển trong tương lai và gặp gỡ các nghiên cứu sinh tiềm năng của Việt Nam.
Tôi cùng Giáo sư Stuart McNaughton và Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đang tọa đàm về kế hoạch hợp tác phát triển giáo dục, Hà Nội 2010. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tình yêu thiết tha và sự biết ơn sâu sắc đối với quê hương Việt Nam và New Zealand đã thôi thúc tôi tiếp tục ở lại làm việc và học tập nhằm tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục của New Zealand, với khát vọng cháy bỏng trở thành ‘Đại sứ Giáo dục’ của New Zealand tại Việt Nam.
Tôi mong được làm nhịp cầu cho tình hữu nghị và sự hợp tác phát triển giáo dục và xã hội của cả hai đất nước. Tôi tin là mình đã được sinh ra để hoàn thành sứ mệnh này.