Cuộc thi “New Zealand – Chân trời mới” làm ùa về trong tôi biết bao kỷ niệm tươi đẹp. Đã 10 năm qua rồi mà cảm xúc trong tôi vẫn còn tươi rói chỉ mới như ngày hôm qua. Chương trình học bổng ELTO 21[1] đã đem đến cho tôi cơ hội trải nghiệm cuộc sống tại đảo quốc xinh đẹp nằm phía ở Nam Thái Bình Dương này.
Từ một thành phố đông dân, bê tông hóa với nắng nóng quanh năm, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi màu xanh đến mát mắt bao phủ những ngọn đồi thoai thoải, với muôn vàn loài hoa bung sắc rung rinh trong làn gió mát lạnh quyện mùi ngai ngái của cỏ cây, khi vừa bước chân tới Hawkes Bay, đảo Bắc của New Zealand. Đây quả là thiên đường trên mặt đất!
Nhà ở đây được xây theo lối kiến trúc phương Tây, nằm tách biệt nhau. Đặc biệt, trước mỗi ngôi nhà đều có một mảnh vườn nhỏ với thảm cỏ xanh mượt như nhung, làm nổi lên những khóm hoa tươi tắn và một vài cây táo, cây chanh trĩu quả nghiêng mình bên góc vườn. Tạo dáng chụp hình trên các thảm cỏ này là một thú vui của nhóm chúng tôi sau mỗi chiều tan học.
Song điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi lại chính là cái tình và cái lý của người Kiwi [2]. “Ba mẹ Kiwi”[3] của tôi là một cặp vợ chồng già trên 70 tuổi, vốn làm nông nhưng đã giao lại nông trại cho con trai khi tuổi già sức yếu. Bất chấp rào cản văn hóa và chưa từng biết mặt nhau, họ vẫn dành cho tôi sự chào đón hết sức nồng hậu mà chất phác. Những điều đó đã làm cho sự lo lắng, e dè trong tôi lập tức tan biến. Nụ cười đôn hậu, cái ôm xiết chặt và cảm giác bàn tay được nắm thật lâu làm tôi cứ ngỡ như mình là đứa con đi xa được trở về với gia đình.
Ba tháng sau đó là những chuỗi ngày tôi được sống trong sự yêu thương chăm sóc và chỉ bảo thật nhiều của ba mẹ. Thức ăn không quen làm tôi thường xuyên bị đau bụng. Giá mà ở Việt Nam thì tôi chạy ào ra nhà thuốc mua vài viên berberin, nhưng ở đây nhà thuốc chỉ bán thuốc theo toa của bác sỹ và bác sỹ thì chỉ kê toa trong trường hợp bệnh nặng thôi. Ba mẹ Kiwi của tôi bèn chữa bệnh cho tôi bằng bài thuốc dân gian là… táo và nước táo. Điều này có thể xuất phát từ việc người dân New Zealand rất gắn bó với cây táo, như người Việt mình gắn bó với cây lúa vậy. Có một câu ngạn ngữ mà người dân nước này rất tâm đắc đó là “Ăn một trái táo mỗi ngày thì không cần đến bác sỹ”[4]. Điều này có thể nghe thật vô lý, nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nó có tác dụng và tác dụng còn rất bền vững. Vì vậy cho đến nay, ăn một trái táo mỗi sáng vẫn là thói quen của tôi.
Người dân New Zealand có ý thức tiết kiệm. Theo ba Kiwi của tôi kể, vì họ từng trải qua những thời kỳ hết sức khó khăn trong lịch sử, nên họ rất quý những gì có được ngày hôm nay. Vì nghĩ rằng mẹ Kiwi sẽ vui vì tiết kiệm được ít tiền mua chanh, loại quả mà mẹ rất thích dùng khi nấu bữa tối, nên hôm đó tôi có lượm vài trái rụng nhưng còn tươi bên ngoài hàng rào một căn nhà ven đường. Trái với những gì tôi nghĩ, mẹ rất giận và nhất quyết không dùng những trái chanh đó. Tôi bị sốc và bối rối. Ba Kiwi liền kéo tôi ra góc vườn ân cần giải thích rằng, người dân ở đây không bao giờ hái lượm trái cây trong vườn nhà người khác, trừ khi họ để trái cây trong thùng các-tông đặt trước cổng rồi dán giấy ghi dòng chữ mời mọi người lấy. Tất cả mọi thứ đều phải mua từ siêu thị. Điều này lý giải vì sao tất cả các nhà ở đây đều có hàng rào bằng cây rất thấp, cổng lại không cần khóa và cây trái thì trĩu quả suốt mùa. Nghe xong, tôi lặng người đi khi nghĩ về về bài học ý thức cộng đồng tuy nhỏ mà ý nghĩa. Phải chăng, đất nước của họ xinh đẹp không chỉ do thiên nhiên ưu đãi mà còn bởi ý thức của mỗi người dân nơi đây.
Còn nhiều lắm những bài học nho nhỏ về văn hoá ứng xử mà tôi đã thấm từ ba mẹ, những kỷ niệm về buổi đi dã ngoại xuyên rừng, những lần về nông trại tập làm nông dân hái táo và cả những bài hát dân gian xứ Kiwi mà ba mẹ dạy cho tôi.
Chia tay, món quà nhỏ dành cho ba mẹ Kiwi yêu thương chỉ là một cuốn băng cassette nhỏ ghi lại bài hát mà tôi tự chế lời và hát, để nói lên tình cảm của mình dành cho họ, dựa theo bài hát “Season in the sun”. Sau này tôi được biết, mỗi lẫn bật bài hát này lên, ba mẹ đều rơi nước mắt vì không nguôi nỗi nhớ cô con gái Việt Nam bé nhỏ. Còn với tôi, ngay từ khi chưa rời xa, tôi biết rằng New Zealand đã trở thành quê hương thứ hai trong trái tim.
Nguyễn Thu Trinh
Chú thích:
[1] Chương trình đào tạo tiếng Anh dành cho cán bộ Việt Nam khóa 21 do Chính phủ New Zealand tài trợ
[2] Kiwi là một loại trái cây đặc sản của New Zealand, được người dân nước này tự hào và yêu thích đến mức họ thường tự gọi mình là những Kiwi.
[3] Homestay/ Kiwi parents: cách mà các du học sinh nước ngoài gọi các gia đình chủ nhà mà họ ở trọ trong thời gian học tập ở New Zealand.
[4] Câu gốc tiếng Anh là: “One apple a day, keep doctor away”