Sau chặng bay dài từ Hà Nội tới Sydney, tôi bước lên chiếc máy bay của Air New Zealand để tới Auckland – nơi tôi sẽ tham dự một hội nghị quốc tế. Lúc này, khi cả thế giới còn say ngủ thì Auckland đã háo hức trở dậy đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Nhìn qua cửa sổ máy bay, cảng Auckland trắng muốt những cánh buồm với tòa tháp Sky vươn mình kiêu hãnh.
Đặt chân xuống sân bay, tôi đưa hộ chiếu của mình cho người cán bộ xuất nhập cảnh và nhận được một nụ cười hồn hậu: “Hy vọng chị sẽ có những ngày thú vị tại Auckland”, ấn tượng ban đầu của tôi về đất nước này thật ấm áp.
Auckland được xem là “thành phố của những cánh buồm”, là nơi một phần ba dân số New Zealand sinh sống và nổi tiếng là một trong những thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới.
Với một người đã quen với nhịp sống náo nhiệt có chút xô bồ của các thành phố Đông Nam Á như tôi, Auckland là sự kết hợp hiếm có giữa sự hiện đại của một đô thị quốc tế và bình yên đến thanh thản.
10h sáng, Auckland bận rộn đón ngày mới, tấp nập người qua lại trên con phố Queen – khu phố mua sắm sầm uất nhất của thành phố. Điều tôi ấn tượng nhất khi đi mua sắm ở New Zealand chính là niềm tự hào ánh lên trên gương mặt những người bán hàng khi họ giới thiệu về các sản phẩm “Made in New Zealand”.
Trong khi cả thế giới đang chìm trong cơn lũ “Made in China”, ở góc này của địa cầu, những người New Zealand đang lặng lẽ gìn giữ và gây dựng các sản phẩm của mình trở thành biểu tượng của chất lượng và sự thuần khiết, dù đó là các sản phẩm thực phẩm, dược mỹ phẩm hay công nghiệp chế tạo.
Từ phố Queen, tôi bắt xe buýt đến Bảo tàng Auckland. Đây là nơi ai cũng có thể tìm thấy thứ gì đó mà mình quan tâm như văn hóa và di sản, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, những bộ sưu tập về hệ động thực vật phong phú.
Tôi dừng chân lâu nhất ở phòng triển lãm về nền văn hóa Maori, nơi tái hiện lại quá trình hình thành và những biến động lịch sử mà đất nước New Zealand đã trải qua.
Những tác phẩm điêu khắc gỗ của người Maori có một sức hút đặc biệt bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy bí ẩn và siêu thực, giống như câu chuyện truyền thuyết về những người Polynesie đầu tiên đã vượt đại dương để tới định cư ở mảnh đất này gần 800 năm trước.
Vào giữa thế kỷ 19, cuộc nội chiến nổ ra đã để lại “Một vết sẹo trong tim” – cách mà người New Zealand gọi sự chia rẽ sắc tộc mà cuộc nội chiến gây ra. Nhưng tới đầu thế kỷ 20, những người New Zealand đã chung tay hàn gắn vết thương và xây dựng đất nước họ trở thành một trong những mái nhà cởi mở và thân thiện nhất cho các sắc tộc khác nhau (ước tính 40% dân số Auckland được sinh ra ở nước ngoài).
Sau một ngày trải nghiệm khu trung tâm Auckland, tôi dành ngày thứ hai để đi phà ra thăm đảo Rangitoto. Có thể nói rất ít thành phố trên thế giới lại gần gũi với thiên nhiên hoang dã như Auckland.
Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, tôi đã lạc tới một hòn đảo núi lửa có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với hệ thực vật và chim muông độc đáo.
Hòn đảo này nằm trên vành đai núi lửa lớn và trẻ nhất New Zealand, là nơi tôi có thể chiêm ngưỡng cả một cánh rừng đang vươn mình trên ngọn núi lửa ngủ quên và cảm nhận được mùi tro bụi núi lửa nồng nồng trong không khí.
New Zealand là quốc gia trẻ nhất trên trái đất. Mảnh đất này mới chỉ được con người phát hiện và di cư tới vào khoảng 800 năm trước. Cũng bởi vị trí địa lý cách biệt với phần còn lại của thế giới mà New Zealand vẫn bảo tồn được khá nguyên vẹn hệ sinh thái độc đáo của mình.
Quay trở lại Auckland để bắt đầu những ngày bận rộn tại hội nghị, tôi rất bất ngờ khi tại lễ khai mạc, ngài Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại và Thị trưởng thành phố Auckland hòa mình ngồi chung với các đại biểu khác, thể hiện không chỉ lòng hiếu khách mà cả tinh thần tự do và bình đẳng mà đất nước New Zealand theo đuổi.
Tôi tâm đắc nhất với chia sẻ của ngài Thứ trưởng rằng chính bản sắc dân tộc và mong muốn làm được những điều có ý nghĩa cho đất nước trong mỗi người là yếu tố dẫn dắt sự thành công của New Zealand.
Quốc gia này đã viết nên một câu chuyện đẹp, không chỉ về một nền kinh tế năng động mà còn về một xã hội hạnh phúc – điều mà tôi cảm nhận được trên từng góc phố Auckland trong những ngày qua.
Năm ngày quả thực quá ngắn ngủi để có thể khám phá được hết mảnh đất tuyệt vời này. Máy bay đã cất cánh, tôi đeo tai nghe và chìm vào giọng đọc ngọt ngào của Selina Tusitala Marsh, một nhà thơ nữ gốc Maori nổi tiếng:
“New Zealand, đất nước được trời thương…
Mảnh đất của vô vàn cơ hội
Nơi vận may gặp gỡ sự quật cường
Mảnh đất của những người dám nghĩ
Bởi chúng ta là những người con của Thái Bình Dương…”.
(Tạm dịch từ trích đoạn bài thơ “New Zealand, đất nước may mắn” của tác giả Selina Tusitala Marsh).