- "Nếu có thể đưa con đi du học, bạn sẽ chọn nước nào?".
- "New Zealand". Bởi vì nơi đây không chỉ có môi trường học lý tưởng, nền giáo dục tiên tiến, những thầy cô giáo dạy học bằng cả trái tim mà còn là nơi con người học được cách sống hạnh phúc.
Đó chính là những trải nghiệm mà tôi may mắn có được nhờ Chương trình ELTO21 (Chương trình học bổng đào tạo tiếng Anh của Chính phủ New Zealand dành cho các cán bộ Việt Nam năm 2004).
- “Đây là trường học hay khu nghỉ dưỡng năm sao vậy?”. Tôi ngạc nhiên thốt lên trong ngày đầu nhập học tại Học viện Công nghệ Miền Đông (‘Eastern Institute of Technology’) ở Hawkes Bay, Đảo Bắc New Zealand.
Trải rộng trước mắt tôi là thảm cỏ xanh mượt bao phủ những trái đồi nhỏ làm bật lên những sắc hoa tươi thắm rung rinh trong nắng ban mai và xa xa là những rặng thông xanh tựa khu rừng nhỏ. Từng tốp sinh viên ngồi hoặc nằm dài trên bãi cỏ, người mải mê đọc sách, kẻ hăng say tranh luận.
Ba dãy nhà của Trường nằm lọt thỏm trong ‘Khu nghỉ dưỡng’. “Sao có thể phí phạm đất đai thế nhỉ?”, tôi thầm nghĩ khi ngầm so sánh với những ngôi trường nằm co mình trong khuôn viên chật hẹp ở quê nhà.
“Ngôi trường nào ở đất nước chúng tôi cũng rất đẹp để tạo cảm hứng học tập và khơi nguồn sự sáng tạo” như đoán được thắc mắc trong lòng tôi, cô giáo Helen mỉm cười giải thích. Quả thực, năm tháng học tập tại đây hiệu quả hơn hẳn cả mấy năm tôi dùi mài trong nước.
Bên cạnh những trang thiết bị và phần mềm hỗ trợ học tập hiện đại, điều ấn tượng nhất đối với tôi là phương pháp học đi đôi với hành. Tuy đã được nghe nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận và hoàn toàn bị thuyết phục.
Với từng chủ đề học mỗi tuần, chúng tôi đều được đi thực tế để xem, để nghe và hiểu thấu đáo. Ví dụ như khi học về văn hóa Maori (là văn hóa bản địa của những người thổ dân New Zealand), chúng tôi được đưa tới tận Rotorua - cái nôi của nền văn hóa này hay khi nghiên cứu về hệ thống chính trị của New Zealand chúng tôi được trực tiếp quan sát một phiên họp của Quốc hội.
Còn khi đề cập về chủ đề động đất – vốn là ‘đặc sản’ của New Zealand, chúng tôi được xem phim 4D để cảm nhận sự rung chuyển của các lớp vỏ trái đất và sóng địa chấn.
“Không nên học từ vựng tách rời mà phải gắn với hình ảnh, cụm từ, gia đình từ và chủ đề”, các thầy cô luôn nhắc nhở chúng tôi và cũng áp dụng rất triệt để.
Sáng sáng họ khệ nệ mang vác các dụng cụ trực quan vào lớp, khi là mô hình, lúc là tranh ảnh và các các loại trái cây… để giúp chúng tôi tiếp thu bài hiệu quả hơn. Còn nhớ có lần nói về bánh ‘Pan Cake’ – một loại bánh quen thuộc với họ nhưng lại xa lạ với chúng tôi, cô giáo liền đưa cả lớp về nhà để cùng làm món bánh này, vui thật vui mà còn biết thêm nhiều từ mới về nấu ăn.
Mỗi tuần chúng tôi có một giờ được học riêng với giáo viên. Cứ nghĩ cũng giống như kiểm tra vấn đáp ở Việt Nam, nên lần đầu tôi lo lắng hồi hộp lắm vì biết khả năng nghe nói tiếng Anh của mình hạn chế.
Đón tôi bằng nụ cười ấm áp, cô giáo ân cần hỏi thăm về cuộc sống mới của tôi ở đây, có hòa hợp với gia đình chủ nhà không (theo chương trình học bổng này, tất cả học viên đều được thu xếp ở trọ trong nhà dân.), đồ ăn có hợp không?...
Vốn chẳng định nói với ai vì sợ chủ nhà mếch lòng và cũng nghĩ nhà trường mấy khi quan tâm tới những chuyện vặt vãnh này, nhưng cách nói chuyện quá thân tình gần gũi của cô làm tôi buột miệng tâm sự về việc không hợp đồ ăn nên tôi thường xuyên đau bụng.
Tưởng rằng câu chuyện chỉ dừng ở đó, nhưng ngay chiều hôm ấy tan học về, mẹ Kiwi (bà chủ nhà, cách gọi thân tình của học sinh ở trọ trong nhà người dân New Zealand) đã chuẩn bị sẵn cơm nóng và một vài món Châu Á làm tôi vừa xúc động vừa thấy ấm lòng.
Cô giáo còn chia sẻ cô cũng có con nhỏ nên rất hiểu tôi buồn thế nào khi phải xa con gái vừa tròn một tuổi để lên đường đi học và cô đã nắm tay tôi thật trìu mến để động viên tôi.
Một giờ trôi qua nhanh chóng, tôi ngạc nhiên nhận ra mình có thể trò chuyện với cô mà không hề gặp rào cản về ngôn ngữ. Phải chăng đây chính là phương pháp đánh thức những kiến thức ngủ quên trong đầu?
Đồng hành với chúng tôi trong thời gian học còn có các thành viên NGO (Non Governmental Organization: Tổ chức phi chính phủ) của New Zealand chuyên giúp đỡ sinh viên nước ngoài.
Mỗi tuần họ tình nguyện đến hỗ trợ chúng tôi kỹ năng nghe nói bằng cách trò chuyện và qua đó giúp chúng tôi hiểu hơn về New Zealand. Thỉnh thoảng họ còn tổ chức các hoạt động giao lưu như tiệc BBQ (loại tiệc nướng thường tổ chức ngoài trời và được người dân New Zealand rất ưa thích), dã ngoại rèn luyện sức khỏe…
Suốt quãng thời gian học tại New Zealand, tôi cảm thấy như chưa bao giờ từng được sống thoải mái và hạnh phúc đến như thế và điều làm tôi vui mừng hơn cả là điểm thi IELTS cuối khóa của tôi tiến bộ vượt bậc so với điểm thi đầu vào.
Ngày trở về, cùng với hành trang kiến thức và phương pháp học tập, có một điều mà tôi biết chắc đó là cuộc đời tôi đã mở ra một trang mới tự tin hơn, phấn chấn hơn và có thể không dễ dàng hơn nhưng chắc chắn là ngập tràn hạnh phúc.