Theo ông Michael Mainelli - Chủ tịch Z/Yen – hãng công bố Chỉ số Các thị trường Tài chính toàn cầu, New York chỉ hơn London 2 điểm. Cạnh tranh cũng ngày càng quyết liệt khi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore - hai trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, tự thu hẹp khoảng cách với nhau và với top 2.
Các scandal như lừa bán bảo hiểm không cần thiết cho khách hàng, thao túng các tiêu chuẩn tài chính hay giao dịch thua lỗ đã khiến hình ảnh của thành phố này suy giảm đáng kể. Bên cạnh đó, kế hoạch trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh cũng làm dấy lên mối nghi ngờ về khả năng họ được tiếp cận thị trường này. New York đã tăng 7 điểm năm nay, trong khi London giảm 10 điểm - mạnh nhất trong các thành phố top 50.

New York đã trở thành trung tâm tài chính số một thế giới. Ảnh: Bloomberg
"London cần xây dựng được hình ảnh là thành phố mà mọi người được đối xử và cạnh tranh công bằng. Không có nền kinh tế nội địa khổng lồ hỗ trợ như New York hay Hong Kong, London cần học tập Singapore hoặc tận dụng sự hỗ trợ của EU", Mainelli cho biết.
Trong khi đó, các thị trường tài chính châu Á đang dần thu hẹp khoảng cách với những thành phố dẫn đầu. Tokyo, Seoul hay Thâm Quyến "có sự tiến bộ vượt bậc" so với một số cái tên yếu hơn như Kuala Lumpur, Manila, Jakarta và Mumbai.
Tại Trung Đông, Qatar là thị trường dẫn đầu. Còn ở châu Âu, hầu hết các thành phố đều tụt hạng, mạnh nhất là Copenhagen, Edinburgh, Dublin, Madrid và Rome.
Chỉ số Các thị trường Tài chính toàn cầu được cập nhật mỗi 6 tháng và đã công bố 15 lần. Ngoài khảo sát trực tuyến hàng nghìn chuyên gia tài chính, họ còn lấy các số liệu bên ngoài về một số tiêu chí, như xếp hạng về viễn thông. Chỉ số này đánh giá 5 lĩnh vực gồm môi trường kinh doanh, tài chính, cơ sở hạ tầng, nhân lực và danh tiếng.
Hà Thu