Truyền thông Mỹ ngày 21/3 dẫn hồ sơ lưu trữ cho thấy văn phòng Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đã tống đạt phán quyết của tòa trong vụ kiện Tập đoàn Trump tới chính quyền Hạt Westchester, phía bắc thành phố New York, nơi có khu phức hợp sân golf và điền trang Seven Springs của cựu tổng thống.
Động thái được thực hiện vào ngày 6/3, một tuần sau khi thẩm phán Arthur Engoron của Tòa Tối cao Manhattan ra phán quyết yêu cầu ông Donald Trump, hai người con trai là Donald Trump Jr và Eric Trump, cùng Tập đoàn Trump nộp phạt tổng cộng 464 triệu USD với hành vi thổi phồng giá trị tài sản ở New York để hưởng các điều khoản ưu đãi về bảo hiểm và ngân hàng.
Tống đạt phán quyết là động thái đầu tiên trong quá trình kê biên tài sản của ông Trump mà Tổng chưởng lý James có thể thực hiện nếu cựu tổng thống không thể nộp phạt theo phán quyết. Điều này cho thấy sân golf Seven Springs có thể là bất động sản đầu tiên của ông Trump mà Tổng chưởng lý New York nhắm tới.
Bà James đã yêu cầu ông nộp phạt hoặc tìm phương án bảo lãnh cho khoản phạt này trước hạn chót 25/3. Số tiền bảo lãnh được yêu cầu bằng 120% khoản phạt, tương đương 557 triệu USD, cộng với 18 triệu USD tiền phí cho công ty đồng ý bảo lãnh.
Nếu sau hạn chót này mà ông Trump không tìm được phương án tài chính phù hợp để nộp phạt, văn phòng Tổng chưởng lý New York sẽ tuyên bố quyền tịch thu, phong tỏa tài sản hoặc đề nghị tòa phân xử tịch thu tài sản.
Ngoài ra, văn phòng Tổng chưởng lý cũng đã tống đạt phán quyết vụ kiện cho chính quyền thành phố New York, nơi ông Trump đang sở hữu một loạt bất động sản giá trị như tòa nhà Trump Tower, căn penthouse trong Trump Tower, tòa nhà số 40 Phố Wall, khách sạn cạnh Công viên Trung tâm và nhiều tòa nhà căn hộ khác.
Các luật sư của bà Letitia James vẫn chưa tống đạt phán quyết đến bang Florida, nơi có khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach và sân golf Trump National Doral ở Miami. Hạt Cook thuộc bang Illinois, nơi Trump xây khách sạn trong thành phố Chicago, cũng chưa nhận được phán quyết.
Các luật sư của Trump cho biết cựu tổng thống không thể huy động đủ tiền mặt để nộp khoản bảo lãnh trì hoãn thi hành phán quyết. Các công ty bảo lãnh không chấp nhận bất động sản, thứ chiếm phần lớn tài sản của ông Trump, làm tài sản thế chấp do rủi ro quá cao.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 21/3, ông Trump chỉ trích mức bảo lãnh mà Tổng chưởng lý New York đặt ra cho vụ kiện là "vô cùng đắt đỏ" và "bất khả thi đối với mọi công ty bảo lãnh".
Các luật sư của ông Trump cũng phản bác những phương án mà bà James cho ông Trump đóng bảo lãnh, trong đó có tìm nhiều công ty tài chính khác nhau cùng đứng ra bảo lãnh hoặc thế chấp bất động sản cho tòa án như một hình thức bảo lãnh trong thời gian chờ phúc thẩm.
Đội luật sư của ông Trump cho rằng phương án thuê cùng lúc nhiều công ty bảo lãnh vẫn đẩy thân chủ vào tình huống phải dốc túi hơn nửa tỷ USD tiền mặt hoặc cổ phiếu. Trong khi đó, bảo lãnh bằng bất động sản cho tòa án bị chỉ trích là phương án "không thực tế và bất công", dù bà James ngày 20/3 nói đây là hình thức phổ biến ở nhiều công ty lớn khi đối diện mức bảo lãnh hàng tỷ USD.
"Tổng chưởng lý không viện dẫn bất kỳ điều luật nào ở New York cho phương án này. Đề xuất của Tổng chưởng lý về 'công chức do tòa chỉ định' đứng ra 'tạm giữ bất động sản' về bản chất tương đương biện pháp mà Tòa Tối cao Manhattan đã áp đặt từ trước, chỉ định công chức giám sát hoạt động kinh doanh của bị đơn", các luật sư của ông Trump lập luận.
Đội cố vấn pháp lý cho ông Trump cũng phản đối phương án bán tháo tài sản, cho rằng điều này sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với thân chủ trong thời gian kháng cáo. Ngay cả khi kháng nghị thành công, ông Trump có nguy cơ không thể mua lại tài sản đã bán tháo vì không đủ tiền mặt.
"Khi đặt ra điều kiện đóng đủ toàn bộ mức phạt thì bị đơn mới được kháng cáo, Tổng chưởng lý và Tòa Tối cao bang đã áp đặt điều kiện bảo lãnh bất hợp lý, bất công và vi hiến", đội luật sư của Trump lập luận.
Bất chấp phản đối từ phía ông Trump và đội ngũ, thẩm phán Engoron ngày 21/3 tiếp tục siết chặt kiểm soát việc thực thi phán quyết. Tòa tuyên bố sẽ triển khai cơ chế giám sát hoạt động tài chính của Tập đoàn Trump, trong đó yêu cầu phía ông Trump nộp báo cáo chi tiết các nỗ lực tìm đối tác bảo lãnh.
"Tập đoàn Trump sẽ thông báo trước cho giám sát viên về mọi nỗ lực tìm đối tác bảo lãnh, bao gồm mọi yêu cầu sao kê tài chính, mọi phản hồi cho đối tác tiềm năng, mọi cuộc gặp của Tập đoàn Trump liên quan đàm phán bảo lãnh, mọi cam kết cá nhân từ bất kỳ bị đơn nào trong vụ kiện, và mọi cam kết từ Tập đoàn Trump đối với bên bảo lãnh", thẩm phán Engoron cho biết.
Người sẽ giám sát tài chính của Tập đoàn Trump trong giai đoạn tìm kiếm bảo lãnh là cựu thẩm phán Barbara Jones, được cấp quyền tiếp cận thông tin về hoạt động tài chính hàng ngày của tập đoàn. Sau hai tháng, bà sẽ gửi về Tòa Tối cao New York đánh giá chi tiết và khuyến nghị về hoạt động tài chính nội bộ Tập đoàn Trump.
Thẩm phán Engoron sẽ trao quyền cho giám sát viên Barbara Jones nhận sao kê ngân hàng và sao kê môi giới hàng tháng của Tập đoàn Trump, nhận thông báo về mọi giao dịch có giá trị hơn 5 triệu USD, nhận thông tin về mọi động thái thành lập hay giải thể chủ thể kinh doanh, nhận thông báo trước về mọi khoản nợ.
Tổng chưởng lý James đã cảnh báo giới chức bang sẽ tịch thu tài sản của ông Trump nếu các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận bảo lãnh nào.
Tuy nhiên, quá trình tịch thu tài sản khó diễn ra nhanh chóng hay dễ dàng vì bản chất đế chế kinh doanh của ông Trump rất phức tạp. Ông Trump và Tập đoàn Trump có hơn 300 tài sản, mỗi tài sản gần như là một công ty trách nhiệm hữu hạn độc lập và quy về một đầu mối kiểm soát là quỹ đầu tư của cựu tổng thống.
"Đế chế kinh doanh này được tổ chức vô cùng phức tạp. Trên giấy tờ, ông Trump không phải chủ sở hữu của mọi tài sản. Giới chức New York khó thực thi phán quyết phạt ông Trump đối với một số bất động sản. Quá trình phân loại không đơn giản và khó diễn ra chóng vánh", Nikos Passas, giáo sư ngành khoa học tội phạm và luật hình sự tại Đại học Northeastern ở Boston, nhận định.
Theo Passas, Tổng chưởng lý James trước tiên có thể nhắm vào các tài khoản ngân hàng và công bố quyền thu giữ bất động sản của ông Trump.
"Vụ kiện này đang làm suy yếu thương hiệu Trump, vốn là thành tố quan trọng trong cách thức ông ấy kiếm tiền ở Mỹ và khắp thế giới. Vụ kiện có thể đã đánh dấu hồi kết cho đế chế kinh doanh của Trump ở New York và xa hơn nữa", chuyên gia Đại học Northeastern cảnh báo.
Thanh Danh (Theo CNN)