Quyết định này do sự gia tăng về tình trạng không tuân thủ thị thực của học sinh từ một số tỉnh miền Trung của Việt Nam gần đây. Ngoài ra, vụ việc sẽ được báo cáo lên Bộ Nội vụ và Chính phủ Australia.
Danh sách địa phương bị ảnh hưởng sẽ được xem xét lại trong tương lai.
"Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam với tư cách là đối tác giáo dục quốc tế và học sinh Việt Nam tại các trường của bang NSW. Chúng tôi dự định tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này", người phát ngôn của Sở Giáo dục NSW trả lời VnExpress, ngày 15/3.
Một số công ty dịch vụ tư vấn du học và di trú cho biết nhận được thông tin của Sở Giáo dục NSW cách đây vài ngày. Bốn tỉnh có du học sinh bị ảnh hưởng là Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An. Cơ quan này cho biết sẽ trả lại phí xử lý hồ sơ (295 AUD, tương đương 4,8 triệu đồng) mà mỗi học sinh đã nộp cho kỳ nhập học tháng 4 và tháng 7 năm nay.
NSW là bang thứ hai tạm dừng nhận học sinh Việt Nam vào các trường phổ thông công lập. Hồi đầu tháng 2, Nam Australia thông báo dừng nhận học sinh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An sau khi bốn du học sinh Việt ở đây được báo cáo mất tích. Theo nhà chức trách, không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy các học sinh gặp nguy hiểm và họ "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền".
Giáo sư Trần Thị Lý, chuyên gia về giáo dục quốc tế tại Đại học Deakin, Australia, nhận định việc Nam Australia và NSW hạn chế nhận học sinh phổ thông bắt nguồn từ vụ mất tích nói trên. Các em bị nghi ngờ tìm cách trốn để ở lại.
Điều này còn diễn ra trong bối cảnh Australia muốn cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế. Song, nhìn chung Việt Nam vẫn là thị trường hàng đầu của các trường học nước này nên không đáng lo ngại.
"Việt Nam là thị trường khá tin cậy của các đại học, đa số sinh viên cần cù và học tốt. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia cũng nồng ấm trong thời gian qua", bà Lý nói.
Tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 du học sinh Việt Nam ở Australia, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế. Số này bao gồm học sinh hệ phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh. Trong đó, sinh viên người Việt tập trung đông nhất ở bang Victoria (khoảng 13.400 người), rồi đến bang NSW (11.500 người).
Với hệ phổ thông, để xin thị thực, học sinh được yêu cầu có thư mời của trường, đóng bảo hiểm y tế, có tờ khai chấp thuận từ bố mẹ hoặc người giám hộ, thư giải trình về mục đích học tập và khả năng ở lại hay rời đi sau khi học xong, cùng một số giấy tờ khác. Khi thay đổi chỗ ở, du học sinh phải khai báo địa chỉ mới trong 7 ngày, nếu không sẽ bị hủy thị thực.
Bộ Nội vụ nước này cho biết có khoảng 19% sinh viên quốc tế không được cấp thị thực trong nửa cuối năm 2023, cao nhất trong ba năm qua. Với du học sinh Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 16%.
Doãn Hùng