Theo ba nguồn tin là nhân viên và cựu nhân viên Neuralink nói với Reuters, vấn đề các điện cực nhỏ của hệ thống chip não tự tách khỏi mô, khiến thiết bị "hoạt động không bình thường" đã được Neuralink tính đến từ nhiều năm trước, khi còn thử nghiệm trên động vật. Dù vậy, công ty của Elon Musk đã không thể tìm ra giải pháp triệt để để khắc phục.
Trong các đơn gửi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin giấy phép cấy ghép chip não lên người trước đây, Neuralink có đề cập đến chi tiết: qua thử nghiệm trên động vật, các sợi điện cực có thể rút lại do cơ chế tự phản kháng của não, từ đó loại bỏ các điện cực nhạy cảm giải mã tín hiệu não. Dù vậy, công ty khẳng định đây là "rủi ro đủ thấp" trong việc cấy ghép và hệ thống chip "không cần phải thiết kế lại".
Năm ngoái, Neuralink đã được FDA phê duyệt việc cấy chip lên não người. Theo một nguồn tin, FDA đã "nhận thức được vấn đề tiềm ẩn" sau khi công ty của Musk chia sẻ kết quả thử nghiệm trên động vật. Trước đó, cơ quan này nhiều lần từ chối đơn xin cấp phép cấy chip não lên người của Neuralink.
Neuralink không đưa ra bình luận. Đại diện FDA từ chối nhắc đến các vấn đề liên quan đến chip não của công ty, nhưng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sự an toàn của những bệnh nhân tham gia nghiên cứu của Neuralink.
Theo một số chuyên gia, việc Neuralink không thiết kế lại hệ thống chip não có thể đối mặt thách thức nếu có nhiều sợi điện cực bị tách ra hơn. Công ty từng nói sẽ khắc phục vấn đề bằng phần mềm, nhưng giới khoa học đánh giá việc điều chỉnh thuật toán là chưa đủ.
Việc thiết kế lại chip cũng có những rủi ro khác. Hai nguồn tin cho biết, việc neo chúng vào não có thể dẫn đến vấn đề tổn thương mô não nếu các sợi dây tuột ra hoặc nếu tháo thiết bị ra.
Trước đó, khi chip não của Neuralink gặp vấn đề, một số chuyên gia cho rằng nó đã được dự đoán trước. "Các sợi kết nối thường nằm trên bề mặt mô não, do đó biến chứng hoàn toàn dễ xảy ra", Eric Leuthardt, bác sĩ giải phẫu thần kinh của Đại học Washington, nói với Bloomberg. "Một yếu tố mà các kỹ sư chưa thực sự chú trọng, là độ di động của não trong không gian nội sọ. Chỉ cần gật đầu hoặc cử động đột ngột cũng có thể dẫn đến nhiễu loạn vài mm".
Cuối tháng 1, Musk thông báo Neuralink cấy thành công chip vào người tham gia thử nghiệm đầu tiên. Hai tháng sau, công ty tiết lộ danh tính người này là Noland Arbaugh, bị liệt cách đây 8 năm. Arbaugh cho biết anh đã có thể chơi game online với hệ thống mới.
Neuralink nói rằng đã dùng robot để đặt bộ phận cấy ghép giao diện não - máy tính vào vùng não. Bác sĩ phải mất vài giờ thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị cùng với bộ phận chip siêu mỏng chứa khoảng 64 sợi khác nhau vào trong. Các sợi mỏng bằng 1/14 chiều rộng sợi tóc.
Neuralink được Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Tỷ phú Mỹ có tham vọng lớn khi tin Neuralink sẽ thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng thần giao cách cảm. Năm 2019, ông nói con người sẽ "hợp nhất và đạt được sự cộng sinh với AI". Dù vậy, giới bảo mật lo ngại hệ thống có thể bị hacker tấn công.
Bảo Lâm
- Neuralink nói bộ cấy ghép chip não 'gặp vấn đề'
- Người cấy chip não Neuralink kể việc chơi game bằng ý nghĩ
- Elon Musk: Người cấy chip não có thể di chuột bằng ý nghĩ
- Chip não của Elon Musk có thể bị hack
- Công ty chip não của Musk có thể thay đổi thế giới thế nào