![]() |
Điểm giao dịch của EVN Telecom. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho biết: "Nếu Bộ Bưu chính Viễn thông yêu cầu chúng tôi phải khóa vùng tiếp sóng thì cực chẳng đã chúng tôi cũng sẽ làm, chỉ có điều hàng trăm nghìn thuê bao sẽ không được hưởng tiện ích mà dịch vụ đem lại. Chúng tôi sẽ thương lượng với Bộ và phía VNPT để giải quyết ổn thỏa theo hướng có lợi cho khách hàng".
Trên thực tế, trong số 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ, EVN Telecom là doanh nghiệp sau cùng được cấp tần số thấp nhất (450 MHz), bị can nhiễu nhiều nhất, chính vì thế nếu không tìm kiếm dịch vụ mới, giá cước có rẻ và các tiện ích vượt trội thì khó lòng cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp khác. Theo ông Bằng thì trong hợp đồng cung cấp dịch vụ, EVN Telecom cũng giao hẹn: Khách hàng không được đăng ký sử dụng dịch vụ ở tỉnh này lại đem về dùng ở tỉnh khác. Nếu khách hàng vi phạm quy định này sẽ bị cắt hợp đồng. "Thực tế là, từ năm ngoái đến nay, chúng tôi đã cắt hợp đồng với hàng trăm khách hàng vì đã vi phạm những quy định trên", ông Bằng cho biết thêm.
Phía VNPT thì phản bác lại rằng, cùng là loại hình dịch vụ cố định không dây và di động nội vùng, trong khi VNPT tuân thủ các quy định của Bộ thì EVN Telecom lại cố tình làm sai khi tạo ưu thế vượt trội dịch vụ của mình. Theo VNPT, đã là quy định thì các doanh nghiệp phải thực hiện, sự mập mờ trong việc tạo ra vùng phủ sóng quá rộng đối với dịch vụ cố định mà EVN Telecom đang áp dụng chính là kiểu cạnh tranh không lành mạnh.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên VNPT và EVN Telecom mâu thuẫn. Hồi tháng 7 năm ngoái, VNPT đã dùng biện pháp mạnh là không cho kết nối để ngăn cản hoạt động của dịch vụ E-Phone mà EVN Telecom đang cung cấp. Vào thời điểm đó, chính Bộ cũng từng kết luận EVN Telecom vi phạm về loại hình dịch vụ và yêu cầu nhà khai thác này phải khóa chiều tiếp sóng giữa các vùng. Thế nhưng, chẳng hiểu lý do gì sau đúng một năm thì sự việc tương tự lại tiếp diễn.
Một số chuyên gia của Bộ Bưu chính Viễn thông, cho rằng vụ việc này nếu không được lãnh đạo Bộ ra tay giải quyết thì xung đột giữa hai doanh nghiệp sẽ còn phát sinh và người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.
Còn một quan chức Viettel thì nhận xét: "Có vẻ như thời gian qua, Bộ Bưu chính Viễn thông đã quá nuông chiều khi cho VNPT nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác". Trên thực tế, VNPT đã được ưu ái hơn người khi được Bộ cấp cho tới 5 đầu số cố định gồm 5,6,7,8,9, trong khi Viettel và EVN Telecom phải chung nhau đầu số 2. VNPT hoàn toàn có thể tận dụng ưu thế này để đẩy nhanh tốc độ phát triển khẳng định mình bằng chất lượng dịch vụ chứ không nhất thiết phải đối đầu với các doanh nghiệp khác.
Theo vị quan chức này thì cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là để cho các doanh nghiệp cạnh tranh để cùng phát triển, dịch vụ nào mới ra đời có ưu thế nổi bật mà có lợi cho người tiêu dùng thì khuyến khích phát triển.
Hồng Anh