Bên hàng rào râm bụt có những sợi tơ hồng bám trên mình, hai đứa bé đang cùng nhau chơi những trò chơi của tuổi thơ: ô ăn quan, nhảy lò cò, bắt kiến, bắt cào cào, châu chấu... Cánh bướm lung linh như ngắm nhìn những tia nắng vàng nhảy múa trên mái tóc đôi bạn nhỏ đang say sưa với thế giới tuổi thơ...
Nhà tôi và nhà ngoại Nhiên nằm ở cuối con ngõ nhỏ với hàng râm bụt xanh rì có những sợi tơ hồng điểm sắc. Trong ký ức của tôi, Nhiên như cái tên của mình, trong sáng, vô tư, chơi mọi trò chơi cực giỏi và luôn nhường tôi. Chúng tôi đã cùng bò dài ra mặt đất chỉ để bắt cho được những con kiến nhỏ xíu, đã chia sẻ cho những ước mơ cả to lẫn nhỏ, kể cho nhau nghe đủ thứ trên đời, bình phẩm mọi cái theo cách của một đứa con nít nhìn đời. Nghĩ lại, tôi vẫn không khỏi bật cười về sự ngây ngô của chúng tôi ngày ấy.
- Mai mốt lớn lên Nhiên sẽ làm nữ công an đi bắt kẻ xấu, sẽ bắn súng vèo vèo như trong phim luôn.
- Hôm nay chị hai đánh Na hai cái vô tay đau quá. Tại Na kêu cái áo của chị Na có màu giống phân bò.
- Con kiến của Na to hơn nên làm sư phụ, con của Nhiên nhỏ hơn, nhỏ xíu à, nên làm đệ tử nha.
Dưới bóng râm của hàng rào, tôi và cô bạn nhỏ đã xây nên một vương quốc tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ. Hàng rào ấy nay vẫn còn nhưng tình bạn của chúng tôi chẳng còn, hệt như cánh bướm năm nào đã biến mất tự bao giờ...
Chúng tôi bước vào tuổi mười lăm, cái tuổi trăng rằm đẹp nhất của người con gái. Thế nhưng tình bạn của chúng tôi lại biến mất chính vào thời khắc đẹp đẽ này.
Tôi và Nhiên cùng tham gia một cuộc thi tiếng Anh. Tôi vô tư cùng Nhiên tuần ba buổi đến ôn tập tại nhà thầy giáo để chuẩn bị cho vòng thi cấp huyện sẽ diễn ra vào tháng sau. Đó là người thầy tôi rất quý mến, kính trọng. Giờ giải lao, thầy luôn thoải mái trò chuyện cùng chúng tôi. Thỉnh thoảng, câu chuyện của ba thầy trò lại được đệm bằng những tiếng cười thả ga. Tôi cứ nghĩ những hình ảnh ấy là một kỷ niệm đẹp, là một cây cọ vẽ mang gam màu tươi sáng, sẽ vẽ thêm vào bức tranh ký ức tôi những hình ảnh lung linh rực rỡ. Cho đến một ngày, tôi nhận ra sự gượng gạo, khách sáo trong lời thầy giáo khi nói chuyện với tôi. Sau đó, tôi lại phát hiện ra những tờ đáp án thầy sửa được chuyển cho tôi bị sai lệch nhiều chỗ. Tôi đinh ninh chắc thầy nhầm lẫn. Để rồi...
Thầy biết không? Em cũng không muốn nói xấu bạn bè sau lưng nhưng thật sự em không chấp nhận được. Hôm trước nhỏ Na nói nó có thể thi đậu điểm cao mà không cần thầy dạy gì hết. Rồi tờ sửa của thầy nó không chịu nghe mà lấy bút sửa lại theo ý nó. Nó cho là thầy làm sai còn nó làm đúng...
Tai tôi ù đi. Tôi đã báo nghỉ ốm hôm đó nhưng cuối cùng tôi lại quyết định đi học, để rồi nghe thấy những điều này. Đằng sau cánh của đó chắc không phải bạn tôi đâu, chỉ là một người có giọng nói giống Nhiên thôi. Người có giọng na ná nhau đâu ít. Nhiên là bạn của tôi mà, Nhiên sẽ không làm vậy với tôi đâu...
Cổ họng tôi bốc chốc trở nên khô khốc. Cố nuốt khan, tôi đẩy cửa bước vào. Người thầy mà tôi kính mến đang ngồi kia. Cô bạn thân từ thuở nhỏ đang ngồi kia, bên chiếc bàn con quen thuộc. Tôi muốn khóc lóc, gào lên xỉ vả, hỏi rằng tại sao lại đối xử với tôi như thế. Nhưng rồi trí khôn dạy tôi phải làm gì. Tôi chào người thầy tôi từng quý mến, nặn ra một nụ cười méo xệch rồi quay đi. Tôi lại đi dọc hàng rào thân thuộc, bứt những sợi tơ hồng rải xuống đường, lặng nhìn theo con cào cào áo đỏ áo xanh đu đưa trên ngọn cỏ.
Tôi nghỉ học ở chỗ thầy, bắt đầu tự ôn tập. Tôi bịt chặt tai, đóng chặt cổng khi Nhiên đến tìm. Tôi không muốn nghe thêm lời nào thốt ra từ con người đó. Tôi sợ. Sợ thứ gì tôi cũng không biết nữa.
Giờ đây, khi đã bước sang tuổi mười sáu, thoảng khi bắt gặp ánh mắt Nhiên, tôi vẫn không thể nhìn vào đôi mắt ấy. Tôi không ra ngồi học dưới bóng râm của hàng rào như đã từng, không say sưa với suy nghĩ về một tình bạn tuyệt vời nữa. Nhưng khi bắt gặp cánh bướm vàng dập dìu nơi hàng rào hay bắt gặp hai đứa trẻ nhà bên ngồi chơi ô ăn quan, bắt kiến, đuổi theo con cào cào nơi chân hàng rào, tôi như nhìn thấy những thước phim đẹp đẽ một thời như bước ra từ góc nào đó trong trái tim. Khi ấy, trong đầu tôi vang lên một giai điệu mà tôi và người đó từng rất thích: “... Cho tôi xin một vé đi thôi, một vé đi thôi, không cần quay trở lại...”.
Nếu có một chuyến tàu như thế, có một tấm vé như thế, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà không bước lên chuyến tàu ấy, trở về khoảng thời gian thơ ấu đẹp đẽ, cùng cô bạn nhỏ tiếp tục vẽ nên bức tranh tuổi thơ đầy màu sắc...
Võ Thị Hiếu