Ngày 23/12, Netflix bắt đầu hoạt động chính thức tại Việt Nam. Nền tảng lựa chọn không cung cấp dịch vụ truyền hình, chỉ phổ biến phim, theo thông báo từ Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử. Điều này khiến nhiều người lo ngại loạt phim đang xem, được Netflix xếp vào nhóm TV Show (chương trình truyền hình) sẽ bị ảnh hưởng.
Trả lời VnExpress, đại diện truyền thông Netflix cho biết các nội dung bị gỡ là những chương trình không có kịch bản. "Netflix đã gỡ bỏ một số chương trình không có kịch bản trên nền tảng để tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn nội dung, bao gồm phim, loạt phim có kịch bản và phim tài liệu, vẫn tiếp tục được phát hành", công ty cho biết.
Khi tìm kiếm, một số nội dung nổi tiếng như Physical: 100, Single's Inferno, Too hot to handle... không còn xuất hiện. Netflix không tiết lộ số lượng và nội dung bị gỡ. Tuy nhiên, phần lớn chương trình nêu trên thuộc dạng truyền hình thực tế, với diễn biến thay đổi ít theo kịch bản.
Trong khi đó, chương trình như Longest Third Date, Down For Love từng được nhắc đến trong thông báo của Cục vẫn xuất hiện trên nền tảng tại Việt Nam.
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử chưa bình luận về việc này. Ngày 20/12, Cục cho biết cơ quan quản lý sẽ theo dõi, giám sát để phát hiện và chấn chỉnh dấu hiệu vi phạm, đảm bảo thị trường cạnh tranh bình đẳng, hoạt động trên cùng một hành lang pháp luật.
Trên Netflix, nền tảng phân loại nội dung thành hai nhóm gồm Phim và Chương trình truyền hình. Phim thường là phim điện ảnh, phim lẻ, trong khi Chương trình truyền hình được dùng chung cho phim bộ nhiều tập, điển hình là phim Hàn Quốc, cùng các show truyền hình thực tế dài kỳ.
Theo Nghị định 71, dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam là dịch vụ cung cấp "nguyên vẹn kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài và nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, nội dung của dịch vụ giá trị gia tăng trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến người sử dụng".
Đơn vị cung cấp nội dung là cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu bản quyền hoặc có thỏa thuận sử dụng bản quyền hợp pháp đối với nội dung cấp cho đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, một số dịch vụ như Amazon Prime đã rút khỏi Việt Nam vì "thị trường nhỏ, mô hình kinh doanh chưa phù hợp". Iqiyi hồi tháng 10 cũng bị "tuýt còi" do đăng ký mô hình phổ biến phim, nhưng xuất hiện nội dung truyền hình.
Trả lời báo chí năm ngoái, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết việc yêu cầu tuân thủ là nhằm đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp truyền hình trong nước và nước ngoài. Trước đây, nền tảng nước ngoài được hưởng lợi vì quy định chưa phủ đến. Một số dịch vụ có hành vi vi phạm như không đóng thuế, phát hành nội dung bị cấm.
Lưu Quý