Thông qua các kế hoạch chủ động của mình, Nestlé Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển bao bì bền vững với mục tiêu trên 95% bao bì được thiết kế để tái chế, hướng tới mục tiêu giảm số lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong hệ thống sản xuất xuống còn 1/3 vào năm 2025.
Nestlé là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi từ sử dụng ống hút nhựa dùng một lần sang sử dụng ống hút giấy có chứng chỉ FSC (Tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) trên tất cả các sản phẩm uống liền. Trong hai năm 2021 - 2022, doanh nghiệp đã giảm khoảng 2.500 tấn bao bì nhựa. Bên cạnh đó, công ty cũng đã có cam kết đạt mục tiêu trung hòa nhựa vào năm 2025.
Không chỉ phối hợp với các đối tác, các tổ chức thu gom và tái chế bao bì, đơn vị cũng thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải nhựa và kêu gọi người tiêu dùng chung tay trong các hoạt động phân loại và thu gom rác thải nhựa. Trong đó, có thể kể đến các chiến dịch Tết "Trao điều lành, Đón lộc xanh" và "Ăn Tết xanh, Đón lộc lành" năm 2022 và 2023, chiến dịch dọn dẹp bãi biển "Vì một đại dương xanh"... đều nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cộng đồng về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống hàng ngày và nhất là các mùa Tết.
"Tầm nhìn của công ty là sẽ không có bao bì nào, kể cả nhựa bị thải bỏ ra môi trường tự nhiên. Doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện điều đó để hướng đến một tương lai không rác thải thông qua các hành động cụ thể dựa trên 5 trụ cột chính: giảm thiểu, tái sử dụng, thiết kế bền vững, tái chế, và thay đổi hành vi", ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, chia sẻ.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã thực thi nhiều cơ chế, chính sách và đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa. Nestlé Việt Nam được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa với nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Nestlé Việt Nam nhằm chung tay lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Việc liên tục dẫn đầu 'Top 100 Doanh nghiệp Bền vững' trong lĩnh vực sản xuất là minh chứng cho những đóng góp tích cực của Nestlé Việt Nam trong phát triển bền vững, tuân thủ quy định bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa", ông Vũ Minh Lý nói.
Với vai trò là nhà đồng sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO), Nestlé Việt Nam cũng phối hợp với các thành viên triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, phát triển các hệ thống thu gom bao bì sẵn có, cũng như hỗ trợ các chương trình tái chế.
Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO) chia sẻ: "Là nhà đồng sáng lập của PRO Việt Nam, Nestlé Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hỗ trợ Chính phủ, bộ, ban, ngành để tăng sức ảnh hưởng của phong trào chống rác thải nhựa trên quy mô lớn hơn. Với cam kết mạnh mẽ về trung hòa nhựa, Nestlé Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với PRO Việt Nam để triển khai hiệu quả quy định EPR, góp phần tích cực trong phòng chống rác thải nhựa tại Việt Nam".
Với sự hoạt động cùng những kế hoạch phát triển bền vững một cách dài hơi, Nestlé Việt Nam tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong Top 100 doanh nghiệp bền vững nhất (CSI 100) tại Việt Nam năm 2023, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) bình chọn.
Trong cơ cấu rác thải rắn, Việt Nam thuộc top 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới với trung bình 2,9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Lượng rác thải nhựa này cũng gia tăng chóng mặt với mức 5% mỗi năm. Tuy vậy, với lượng tái chế chỉ khoảng 33% rác thải nhựa, Việt Nam đang mất khoảng 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm, theo Báo cáo Tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 của WWF Việt Nam.
Theo các chuyên gia, giảm thiểu rác thải nhựa là một hành trình dài đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong những năm qua, Chính phủ đã thực thi nhiều cơ chế, chính sách và đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa.
Sau khi nhựa đi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, rác thải nhựa đã xuất hiện đáng kể ở khâu phân loại, thu gom hậu sử dụng. Các sản phẩm nhựa dùng một lần, chất lượng nhựa để tái chế cũng là những bài toán cần giải. Do đó, sự chủ động và tham gia của các doanh nghiệp trong việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế đóng vai trò quan trọng để tạo ra giá trị chung cho môi trường.
Diệp Chi