Theo The Guardian, mục đích của điều luật mới này nhằm hạn chế các tai nạn không đáng có của du khách cũng như giảm tải lượng người ngày một đông đang đổ về nóc nhà thế giới.
Theo quy định mới, chỉ những nhà leo núi chứng minh được họ từng chinh phục các đỉnh núi cao từ 6.500 m trở lên mới được leo Everest. Về độ tuổi, những người dưới 18 và trên 75 sẽ buộc phải nói không với đỉnh núi này. Người khuyết tật cũng không được chấp nhận. Vì luật lệ mới này, giới chức Nepal vướng phải một số cáo buộc cho rằng mang tính phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền.
Junko Tabei, người phụ nữ đầu tiên chạm đỉnh Everest vào năm 1975, bày tỏ mối lo ngại của bà về lượng người leo núi đang đổ về Nepal để chinh phục nóc nhà thế giới. Bà cho rằng việc cấp phép tràn lan cho những người leo núi trong một mùa sẽ gây ra nhiều nguy hại cho môi trường trên núi cũng như tính mạng của mọi người.
Kripasur Sherpa, bộ trưởng bộ Du lịch Nepal, trả lời với báo chí rằng chính quyền Nepal không thể để tất cả mọi người leo Everest và bỏ mạng nơi đây. Nếu họ không đủ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho thử thách này, chuyến chinh phục sẽ giống như việc tự sát hợp pháp.
Sherpa cho biết ông hi vọng luật mới sẽ được ban hành trước mùa xuân năm sau - thời điểm hàng trăm nhà leo núi từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng lên đường thực hiện ước mơ chinh phục nóc nhà thế giới.
Xem thêm: Những điều thú vị về đỉnh Everest
Phạm Huyền