Lục quân Qatar duyệt binh biểu dương lực lượng
Là một trong các quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng Qatar chỉ sở hữu lực lượng quân đội nhỏ bé và không được đánh giá cao. Toàn bộ lực lượng vũ trang Qatar chỉ có quân số khoảng 12.000 người cùng số lượng nhỏ khí tài quân sự. Bù lại, nước này cho thuê hàng loạt căn cứ quân sự và dựa vào sự bảo vệ của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình, theo War is Boring.
Quân đội Qatar (QAF) được thành lập vào năm 1971, sau khi nước này giành được độc lập từ Anh. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), mỗi năm Qatar chi khoảng 1,9 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, chiếm 1,5% GDP của nước này.
Lục quân
Quân chủng lớn nhất của Qatar là lục quân với 8.500 binh sĩ. Việc thiếu hụt nhân lực phục vụ quân đội là vấn đề đeo bám QAF trong nhiều năm qua. Công dân Qatar chỉ chiếm 30% lực lượng lục quân, số còn lại là binh sĩ tới từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Lực lượng này bao gồm một lữ đoàn bộ binh cận vệ hoàng gia, 4 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, một đại đội đặc nhiệm, một tiểu đoàn pháo binh và một lữ đoàn tăng thiết giáp.
Ban đầu, trang bị chủ yếu của lục quân Qatar là những vũ khí, khí tài thu được từ Anh. Tới thập niên 1980, Qatar mua sắm phần lớn vũ khí từ Pháp trong nỗ lực xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn. Dù vậy, lục quân Qatar chỉ được biên chế một tiểu đoàn xe tăng AMX-30 với số lượng 30-45 chiếc. Đơn vị này từng tham gia trận Khafji trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Đến năm 2013, Qatar đặt mua 62 chiếc Leopard 2A7+, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất do Đức chế tạo, thay thế cho mẫu AMX-30 đã lạc hậu. Hợp đồng dự kiến được hoàn thành vào năm 2018, giúp Qatar sở hữu lực lượng xe tăng hiện đại không thua kém các nước láng giềng.
Pháo binh Qatar được trang bị 22 pháo tự hành AMX F3 cỡ nòng 155 mm do Pháp cung cấp. Loại pháo này ra đời từ năm 1952, đang dần được thay thế bởi 24 tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 tối tân của Đức.
Hải quân
Qatar không sở hữu tàu chiến nào sau khi giành được độc lập năm 1971. Tới năm 1992, hải quân nước này mới chỉ có 700 binh sĩ trong biên chế. Tới năm 2010, lực lượng này mới bắt đầu phát triển với quân số 1.800 người, 80 tàu chiến các loại, thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập hải quân cùng Mỹ và đồng minh.
Bất chấp việc QAF mở rộng quy mô, hải quân Qatar vẫn là lực lượng thiếu nhân lực, không được huấn luyện đầy đủ và thiếu trang thiết bị trầm trọng. Không có khả năng duy trì hải quân quy mô lớn, Qatar phải dựa vào các đơn vị nhỏ, có khả năng cơ động cao để ngăn các cuộc xâm nhập vào lãnh hải nước này.
Chủ lực của hải quân Qatar là 7 tàu tên lửa tấn công nhanh, gồm 4 chiếc lớp Vita do Anh sản xuất và 3 tàu lớp Combattante III của Pháp, mỗi tàu được trang bị 8 tên lửa chống hạm Exocet MM40, có tầm bắn 70-180 km tùy phiên bản. Lực lượng bảo vệ bờ biển Qatar được trang bị một tổ hợp tên lửa Exocet với ba bệ phóng. Nước này sở hữu tổng cộng 290 quả Exocet các loại.
Phần lớn phương tiện trong biên chế hải quân Qatar là các loại tàu pháo, tàu tuần tra hạng nhẹ, không có khả năng hoạt động xa bờ trong thời gian dài, khiến nước này khó lòng thực hiện các chiến dịch đánh chặn từ xa, cũng như bảo đảm an ninh hàng hải ngoài khơi.
Năm 2016, Qatar ký hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD với nhà máy Fincantieri, Italy để đóng một tàu đổ bộ trực thăng, 4 tàu hộ vệ trang bị tên lửa phòng không tầm trung và hai tàu tuần tra xa bờ.
Không quân
Tiền thân của không quân Qatar là Đơn vị An ninh trên không (QPSFAW) được trang bị hai trực thăng Westland Whirlwind. Tới năm 1971, lực lượng này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu khi mua 3 tiêm kích phản lực Hawker Hunter từ Anh. QPSFAW đổi tên thành Không quân Qatar (QEAF) vào năm 1974.
QEAF bắt đầu tiến trình mở rộng, hiện đại hóa từ năm 1979 bằng việc đặt mua 6 máy bay huấn luyện/cường kích hạng nhẹ Dornier Alpha Jet, tiếp đó là 14 tiêm kích siêu âm Mirage F1 vào năm 1980. QEAF cũng nhận bàn giao 12 trực thăng Gazelle trang bị tên lửa chống tăng HOT từ năm 1983.
Tiêm kích và trực thăng chủ lực của không quân Qatar
Không quân Qatar hiện nay có quân số 1.500 binh sĩ. Lực lượng tiêm kích của QEAF chỉ bao gồm 13 chiếc Mirage 2000 và 6 máy bay Alpha Jet. Để tăng cường lực lượng, nước này đã chi 7 tỷ USD để mua 24 tiêm kích đa năng Dassault Rafale của Pháp và 21,1 tỷ USD mua 36 chiếc F-15QA từ Mỹ.
Lực lượng nước ngoài đồn trú
Với lực lượng quân sự nhỏ bé, an ninh quốc phòng của Qatar được đảm bảo bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ và các nước đồng minh. Các lãnh đạo Qatar luôn tin rằng với sự hiện diện quân sự của các nước lớn tại đây, họ sẽ tránh được nguy cơ bị xâm lược từ các quốc gia trong khu vực.
Qatar ký hiệp ước quân sự với Mỹ vào năm 2002 và 2013, trước đó là với Anh và Pháp vào năm 1994. Nước này đóng vai trò tích cực trong nỗ lực phòng thủ của Liên minh Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), cùng 5 quốc gia khác là Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman.
Nơi tập trung lực lượng nước ngoài lớn nhất tại Qatar là căn cứ không quân al-Udeid, phía tây nam Doha. Đây là địa điểm đóng quân của QEAF, không quân Mỹ cũng như nhiều nước đồng minh. Washington đặt sở chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) và Bộ Chỉ huy Trung tâm không quân (AFCENT) ngay tại al-Udeid. Căn cứ này cũng có các đơn vị thuộc Liên đoàn không quân viễn chinh số 83 của Anh và Không đoàn viễn chinh số 379 của Mỹ.
Qatar từng đầu tư hơn một tỷ USD vào thập niên 1990 để xây dựng căn cứ al-Udeid, bất chấp việc họ không có lực lượng không quân quy mô lớn. Mỹ cũng đầu tư hơn 100 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài tại đây. Quyết định xây dựng căn cứ al-Udeid giúp củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Doha và Washington.
Nhà vua Qatar năm 1999 tuyên bố muốn có 10.000 binh sĩ Mỹ đóng quân dài hạn tại al-Udeid. Hiện nay, căn cứ này đóng vai trò trung tâm hậu cần, chỉ huy và đóng quân cho các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan và Iraq.
Ngoài ra, Mỹ còn đóng quân tại căn cứ As Sayliyah nhỏ hơn. Đây là nơi đặt một kho hậu cần quan trọng, hỗ trợ việc triển khai nhanh chóng lực lượng lục quân trong khu vực. Nó có khả năng cung cấp đầy đủ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho một lữ đoàn thiết giáp lục quân Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai khoảng 150 lính tại một căn cứ ở Qatar. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/6 cho phép quân đội nước này triển khai lực lượng tới hỗ trợ Qatar. Đề xuất này đã được phía Qatar chấp thuận.
Hòa Việt