Muối tinh là natri clorua (NaCl) có độ tinh khiết 97-99%. Đây là muối tinh, gần như không có tạp chất và khoáng chất, mặc dù nó thường được bổ sung thêm iốt. Muối này rất chát và mặn vì mất đi các vi lượng, thường dùng làm bột canh và nhiều loại gia vị.
Muối biển (muối hạt) được thu qua sự bay hơi của nước biển, chứa hơn 80% natri clorua. Ngoài ra muối này còn có chứa nhiều các vi chất khác: sulfat, carbonate, canxi, kali, magiê, sắt và kẽm. Muối hạt có vị ngọt hậu giống như vị ngọt của nước mắm cốt. Người châu Âu chỉ dùng muối này để nêm nếm, không dùng bột ngọt (mỳ chính), không dùng bột canh, không dùng bột nêm có chất tạo ngọt.
Muối Celtic (hay muối xám vì màu sắc của nó) thu được một cách thủ công qua quá trình phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Nó cũng ít natri và giàu khoáng chất khác.
Muối Maldon: là một loại muối biển có dạng vảy. Đó là gia vị lý tưởng cho món salad và thịt, được thêm trực tiếp vào sản phẩm đã nấu chín. Muối này sử dụng để làm gia vị, làm nước sốt và thậm chí để pha chế cocktail.
Muối hồng Himalaya: được khai thác từ các mỏ muối ở vùng núi Pakistan và nổi bật về hàm lượng sắt, mang lại tông màu hồng đặc trưng. Một trong những biến thể của nó là muối đen - được chiết xuất phổ biến nhất ở Ấn Độ - cũng rất giàu lưu huỳnh và magie.
Nếu vậy, loại nào tốt nhất?
Cả muối biển và muối mỏ (tức là các loại muối chưa qua tinh chế) đều là những lựa chọn lành mạnh nhất để nêm gia vị cho các món ăn của bạn. Bởi vì các loại này có chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, tạo vị ngọt tự nhiên.
Nếu bạn không là "fan" của hạt nêm, mì chính, bạn nên dùng muối biển hoặc muối mỏ để nêm nếm. Bạn lưu ý chọn muối biển có công bố (claim) không có các vi chất độc hại như kim loại nặng.
Muối là một chất tăng hương vị thực phẩm tuyệt vời, tất nhiên, hãy luôn ở mức độ vừa phải.
Tiến sĩ Vũ Thị Tần
Đại học Bách khoa Hà Nội