Nữ giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội quan niệm thưởng Tết là "lộc trên trời rơi xuống" nên dù ít hay nhiều cô đều chi tối đa cho bản thân.
"Bố mẹ tôi có truyền thống may quần áo mới cho các con để ăn Tết nên tôi vẫn giữ thói quen mua sắm ấy", cô chia sẻ. Vân Anh lấy ví dụ thưởng Tết năm ngoái cô chi làm tóc hết ba triệu đồng; đi spa chăm sóc da và làm móng tốn hai triệu đồng, 5 triệu cho quần áo mới, 10 triệu còn lại mua một chiếc túi xách.
Khác với Vân Anh, anh Nguyễn Đức Vinh, 35 tuổi, nhân viên của một công ty chứng khoán thường phân bổ 45 triệu đồng thưởng Tết thành các khoản khác nhau.
Anh ưu tiên dùng một nửa tiền thưởng trả nợ, số còn lại chi 5 triệu đóng các hóa đơn cố định; 8 triệu đồng đưa vợ với hai con đi ăn tại một nhà hàng Michelin và mua bánh kẹo Tết; cuối cùng đóng phí một khóa học nâng cao chuyên môn.
Thưởng Tết là cụm từ luôn được quan tâm dịp cuối năm, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng hợp lý. Ông Lâm Tuấn, giám đốc điều hành một công ty cố vấn và quản lý tài chính cá nhân cho hơn 3.000 nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam, cho biết năm nay việc sử dụng khoản thưởng Tết như thế nào được nhiều người quan tâm hơn trước.
Một trong các lý do là thu nhập từ ba nguồn chính đều có xu hướng bị ảnh hưởng. Cụ thể, khoản từ đầu tư đa số giảm hoặc đi ngang; lợi nhuận từ kinh doanh giảm và nhiều người mất việc nên mất đi nguồn thu nhập từ lương. Chỉ còn một bộ phận giữ được việc nên khoản thưởng rất có ý nghĩa với nhiều gia đình.
Theo ông Tuấn, có hai quan niệm sai lầm phổ biến khi dùng thưởng Tết. Số đông coi đây là "lộc" nên có xu hướng "tán lộc" bằng cách chi tiêu bạo tay, thậm chí vẽ ra các nhu cầu để tiêu cho bằng hết. Một bộ phận khác bị kìm nén chi tiêu trong năm, đến khi có một khoản dư ra nên tiêu thoáng hơn, nhất là dịp Tết.
Chuyên gia này khuyên, nên chia khoản thưởng theo quy tắc 50-30-20, tức 50% dành để trả khoản cố định, 30% phục vụ nhu cầu và 20% đầu tư.
Cụ thể, nếu đang có nợ, hãy ưu tiên dành 50% để trả nợ. Trả nợ người thân, bạn bè, trả càng sớm càng tốt đặc biệt là nợ thẻ tín dụng có lãi suất cao. Nếu không, hãy dùng 50% này trả cho các chi phí cố định cho cả năm, như đồ gia dụng, máy giặt, sơn sửa lại nhà. Nói chung, nên ưu tiên chi tiền vào những thứ có giá trị sử dụng lâu dài, chứ không chỉ mùa Tết.
Đây là công thức chung, trong từng trường hợp cá nhân mọi người có thể tăng giảm tùy nhu cầu gia đình. "Dù bạn chi tiêu thế nào nên dành 20% để đầu tư. Nếu còn giảm nữa sẽ không đảm bảo được an ninh tài chính", Lâm Tuấn nói. Đầu tư có hai dạng gồm hữu hình (gửi tiết kiệm, mua vàng, chứng khoán) và vô hình (đầu tư vào kiến thức, thương hiệu cá nhân hoặc mối quan hệ).
Nhiều người sẽ cho rằng, khoản thưởng không đáng bao nhiêu, không cần phải học cách chi tiêu. Chuyên gia cho đây là một quan niệm nguy hiểm. Để có được 100 triệu đồng, phải đi từ tích lũy một vài triệu. Muốn đạt tự do tài chính, phải có thói quen tích lũy từ khi chưa tự do tài chính.
Việc hình thành thói quen tài chính cá nhân là quan trọng nhất. Nên quán triệt hai nguyên tắc, thứ nhất dòng tiền ra phải nhỏ hơn dòng tiền vào. Thứ hai, khi nhận được bất kỳ dòng tiền nào, từ nhỏ đến to, nên dành ngay từ đầu 20% để đầu tư.
Nhiều năm làm cố vấn tài chính cá nhân, anh Nguyễn Thanh Minh, tổng giám đốc một công ty tư vấn tài chính ở Hà Nội cho biết, 98% người Việt khi có tiền thưởng sẽ có xu hướng mua những gì mình chưa có và thích từ lâu. Thông thường họ đều chi tiền vào nhu cầu cá nhân, trong đó hầu hết chi vào tài sản nhanh khấu hao. Chỉ một bộ phận rất nhỏ bỏ tiền cho những mục tiêu bền vững hơn.
"Nguyên nhân là kiến thức về quản lý tài chính cá nhân của người dân còn chưa đầy đủ", anh Minh. Khảo sát năm 2016 của công ty đa quốc gia Mastercard cho thấy người Việt hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản và yếu kỹ năng đầu tư tài chính, xếp hạng 14/16 quốc gia được khảo sát.
CEO này cho rằng, Tết Nguyên Đán là nét văn hóa quan trọng với người Việt, nhưng việc sắm sửa, chi tiêu nên "liệu cơm gắp mắm". Nếu có dư, hãy nghĩ ngay đến việc đầu tư.
"Nhà không có thì đi thuê, ôtô không có thì đi xe máy nhưng bắt buộc bạn phải có khoản tiết kiệm cho tuổi già và rủi ro, tiết kiệm cho con cái yên tâm ăn học đến tuổi 18", chuyên gia tài chính nói.
Cụ thể với khoản thưởng Tết, theo ông Minh nên chi cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, biếu bố mẹ, quần áo mới cho con. Còn những thứ thỏa mãn cảm xúc nhất thời như giàn karaoke âm thanh, đầu tư chiếc TV màn hình rộng để bằng người khác là không nên.
Nhờ biết những kiến thức tài chính từ sớm, Khánh Linh, 23 tuổi một MC truyền hình giữ nguyên tắc chi tiêu 80% khoản tiền mình làm ra, 20% tiết kiệm. Riêng các khoản thưởng, hoa hồng, cô giữ lại toàn bộ.
Từ năm 18 tuổi, Linh đã bắt đầu đi làm thêm. Cô sinh viên năm nhất khi đó nhận được một triệu đồng thưởng Tết. Các năm sau cô, Linh có thu nhập và thưởng cao hơn. Hè năm nay, cô gái 23 tuổi có được 200 triệu đồng tiết kiệm.
Lúc này Khánh Linh quyết định sử dụng nó. Cô chi 40 triệu đồng đi học thạc sỹ, 40 triệu đồng làm một dự án từ thiện cho bệnh nhân ung thư. Cô cũng mua cho mẹ một chiếc xe máy cũ 25 triệu đồng số còn lại chuyển sang mua vàng.
Phan Dương