Thông tin được ông Xaysomphet Norasingh, Chủ tịch AWGIPC phát biểu khai mạc cuộc họp lần thứ 72 Nhóm công tác về hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72), do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 22/4.
Chủ tịch AWGIPC cho rằng, nền kinh tế số mang đến cả những cơ hội và thách thức chưa từng có. "Điều quan trọng là chúng ta phải khai phá sức mạnh của sở hữu trí tuệ để định hướng ranh giới mới này hiệu quả", ông nói. Bối cảnh toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, do đó cần duy trì sự linh hoạt và thích ứng trong cách tiếp cận nhằm tăng cường và mở rộng ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ ở tất cả các cấp độ trong khu vực.
Theo Chủ tịch AWGIPC, bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của các ngành công nghiệp sáng tạo của ASEAN, từ đó thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
AWGIPC đã triển khai Chương trình hành động của ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025, đến nay kết quả thành công 81% các sáng kiến và hoạt động thuộc chương trình.
Mục tiêu hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách thỏa đáng và hiệu quả trong khu vực, qua đó thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, tăng cường tự do hóa thương mại khu vực và toàn cầu.
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết trong những năm qua, ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa các nước thành viên, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nhằm biến ASEAN thành một khu vực sáng tạo và có sức cạnh tranh trên thế giới.
Trong tiến trình hội nhập, AWGIPC đã và đang làm tốt vai trò đầu mối trong việc xây dựng, phối hợp và triển khai các Chương trình hành động của ASEAN về sở hữu trí tuệ nhằm đạt được các mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint).
Cục trưởng Lưu Hoàng Long cũng chào đón Đông Timor lần đầu tiên tham gia Cuộc họp AWGIPC với tư cách là quan sát viên.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường nói sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của tổ chức, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong ba năm, từ 2022 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ gần 100 lượt doanh nghiệp thực hiện đổi mới và hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm và hỗ trợ nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho 37 nhãn hiệu cộng đồng theo các hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Tính đến 31/12/2023, Đà Nẵng có 4.202 văn bằng được cấp, gồm 3.991 nhãn hiệu, 71 sáng chế và giải pháp hữu ích, 140 kiểu dáng công nghiệp, đứng thứ 6 trên cả nước. Lãnh đạo thành phố mong muốn có nhiều sự kiện kết nối, chia sẻ thông tin, hỗ trợ để Đà Nẵng thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
AWGIPC ra đời trên cơ sở của Hiệp định khung về Hợp tác sở hữu trí tuệ giữa các nước ASEAN, được thông qua tại Cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ 5 tại Bangkok, Thái Lan năm 1995. AWGIPC có chức năng xây dựng, triển khai và đánh giá các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ của ASEAN.
Các chương trình, kế hoạch của AWGIPC nhằm đạt được các mục tiêu hoàn thiện khung pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực; trao đổi thông tin về các vấn đề chuyên môn; tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đăng ký và thực thi quyền; tham gia các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục đăng ký quốc tế...
Cuộc họp AWGIPC 72 tập trung vào Chương trình hành động của ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN (AANZFTA, WIPO, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu, Viện Sở hữu Công nghiệp Pháp, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản...).