Hình ảnh ta thường bắt gặp khi tham gia giao thông là những vụ va quẹt nhẹ giữa các phương tiện (kể cả người đi bộ) với nhau. Cùng một tình huống, nhưng nếu các bên đều cho là mình đúng thì câu chuyện sẽ không dừng lại cái đèn, cái kính hậu hay là vài vết trầy xước nhỏ.
Khi có tranh chấp, dĩ nhiên là phải cần trọng tài để phân xử. Mà ở ta, khi trọng tài chính (cơ quan chức năng) chưa có mặt thì các "trọng tài vườn" không hẹn mà gặp, lập tức tạo một hay nhiều vòng xung quanh trong vài nốt nhạc. Nhiều lúc chỉ để: ngó một cái, phán một câu...rồi đi.
Gây ra lỗi thì phải đền, đó là lẽ dĩ nhiên. Lúc này, câu chuyện trở thành sự mặc cả, tính thiệt hơn mà kết quả phần nhiều là: Hỏng cái gì, đền cái ấy. Sẽ khác không nếu ta biết nhận lỗi khi mình sai? Một câu chân thành "Tôi xin lỗi"... thì những cái đèn, cái kính hậu hay những vết trầy xước kia liệu có cần đến trọng tài?
Đôi lúc, câu nói: "Tôi xin lỗi" lại là bùa hộ mệnh khi ta không có lỗi nhưng gặp phải "hổ báo", cả... vú lấp miệng em hay hội chứng "làng của ta đường là của ta"... Bảo toàn tính mạng là trên hết!
Ở chiều ngược lại, khi nhận được một lời xin lỗi chân thành, ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn và chuyện đền bù thiệt hại cũng trở nên nhẹ nhàng theo nhiều nghĩa. Lời xin lỗi đôi khi chỉ để tự vệ, đôi khi là sáo rỗng, đôi lúc lại chân thành. Nó như một câu thần chú nếu ta biết sử dụng đúng cách và đúng lúc.
Với người này, nó có thể là thứ gì đó xa xỉ. Nhưng với người khác, nó có thể là thước đo giá trị của một con người.
Hoàng Thanh