Việc cho và nhận tác phẩm nghệ thuật của hai thành phố thuộc hai quốc gia khác nhau trên thế giới là điều hết sức bình thường nhằm thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và giao lưu trao đổi văn hóa, kinh tế, xã hội.
Nếu tân thị trưởng thành phố Namyangigu muốn tặng cho Huế bức tượng "người đàn ông cúi chào" thì chúng ta nên tiếp nhận để đáp lại tấm lòng của họ, nhưng mỗi nơi có môi trường cảnh quan và phong tục tập quán khác nhau.
Họ không sống ở Huế để "hiểu" Huế như chúng ta nên những vị trí đặt tượng mà họ đề xuất thì thật khó có thể chấp nhận được.
Thiển nghĩ, chúng ta nên tiếp nhận tượng với đúng kích thước nguyên mẫu bởi vì nếu giảm kích thước sẽ giảm đi ý nghĩa của tác phẩm và làm khó cho phía Hàn Quốc, bởi đã có nhiều thắc mắc tại sao chiều cao của bức tượng không phải là 8 hay 4 hoặc 5 mà là 6m thì nhà điêu khắc Yoo Young Ho trả lời rằng: " 6m là tỉ lệ vàng và nó phù hợp nhất cho việc vận chuyển đến khắp nơi trên thế giới bằng đường tàu thủy".
Nếu chúng ta thu nhỏ và đặt ở đầu tuyến đi bộ ven sông Hương thì vô tình chúng ta làm mất đi cái "tỷ lệ vàng" làm nên vẽ đẹp của bức tượng, nó trở nên giống một ma-nơ-canh cúi đầu chào bên đường và rất khó cho công tác bảo quản bởi không có đế cao vững chắc và sự uy nghi vốn có của bức tượng.
Còn nếu chúng ta đặt tượng ở công viên Dã Viên thì cũng khó phù hợp, bởi cồn Dã Viên cùng với cồn Hến là yếu tố phong thủy, là "tay hổ tay rồng" chầu trước kinh thành Huế nên việc đặt một bức tượng khỏa thân quá hiện đại vào đây thì e rằng cũng rất khó coi.
Nói chung là trục cảnh quan ven sông Hương đã có quá nhiều tác phẩm nghệ thuật rồi, không nên thêm tượng vào đây nữa mà nên giành cho những vị trí khác cần thiết hơn.
Theo tôi, chúng ta nên xem bức tượng như một tác phẩm nghệ thuật thông thường, đã là tác phẩm đương đại thì không gian cảnh quanh xung quanh cũng hiện đại tương xứng, thành phố Huế tuy cổ kính nhưng cũng không thiếu những khu đô thị mới trẻ trung hiện đại, năng động và nhiều sắc màu.
Bức tượng cao 6m (thêm phần đế 4m) sẽ không còn cảm giác to lớn và ‘chỏi" nữa nếu được đặt trong một công viên rộng thoáng có nhiều cây xanh và xung quanh có nhiều công trình lớn, bởi đây là dự án nghệ thuật cộng đồng, hiện đại và có sự tương tác với công chúng nên nó phải được đặt ở nơi công cộng và yếu tố "mở" được chú trọng nên việc đặt ở bảo tàng nghệ thuật vốn chỉ giành cho số ít cũng chưa phải là giải pháp hay.
Cuối cùng tôi xin ủng hộ ý kiến là nên đặt tượng ở "trục đường Tố Hữu, nơi tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng trung tâm hành chính công hướng về khu đô thị mới tươi trẻ và đầy sức sống" của tiến sỹ Trần Đình Hằng-phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế hoặc xem xét "đặt tượng ở khu đô thị mới An Vân Dương, nơi có nhiều tuyến đường lớn và công trình hiện đại, giúp cho bức tượng không đối chọi với các công trình di sản Huế" - ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa.
Thế mới thấy việc cho và nhận tác phẩm nghệ thuật hóa ra không đơn giản chút nào mà đòi hỏi chúng ta phải tư duy, phải "tôn trọng và thấu hiểu" nhau như ý nghĩa bức tượng để bên cho và bên nhận đều cảm thấy vui vẻ hài lòng, để từ đó mà thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết và hướng tới tương lai.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
KTS Hoàng Văn Hào