Tại dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương không đưa ra quy định quản lý Quỹ bình ổn giá. Nhà chức trách dự kiến chuyển quỹ này về ngân sách nhà nước, thay vì để tại doanh nghiệp như hiện nay.
Tức là, trích lập hay sử dụng quỹ này phải chờ quyết định của Chính phủ. Việc bình ổn mặt hàng này sẽ theo Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 1/7), chỉ thực hiện khi giá biến động mạnh, bất thường tác động tới kinh tế - xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh).
Nói với VnExpress, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đánh giá hướng đề xuất trên là hợp lý. "Quan điểm của hiệp hội là nên để vào một quỹ tập trung như Kho bạc hoặc một tài khoản riêng do Chính phủ hay Bộ Tài chính quản lý", ông Bảo nói.
Ông cũng cho rằng, việc chuyển Quỹ bình ổn xăng dầu về ngân sách phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều rủi ro trước những quy định về quản lý quỹ hiện nay, đặc biệt khi họ phải bù lỗ hoặc thanh, kiểm tra. "Phương án này sẽ khắc phục những bất cập về sử dụng quỹ, minh bạch thông tin", Chủ tịch VINPA nói thêm.
Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và 95). Quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi sẽ do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng khi đưa về một đầu mối sẽ giúp quản lý tập trung và trách nhiệm các bên sẽ được làm rõ khi xảy ra thất thoát. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần cơ chế giám sát để công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.
Thực tế, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua cho thấy nhiều bất cập. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối 2023 cho thấy, 7 đầu mối xăng dầu sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, gần 7.930 tỷ đồng. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp, như trường hợp Xuyên Việt Oil, đã chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền từ Quỹ bình ổn cho các mục đích cá nhân.
Song, quy trình chuyển, nộp số dư quỹ vào ngân sách cần thời gian, khá phức tạp. Số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỷ so với năm trước, theo Bộ Tài chính. Không phải doanh nghiệp nào cũng dương quỹ. Chẳng hạn, Petrolimex - doanh nghiệp đầu mối chiếm gần một nửa thị phần trong nước - tồn quỹ gần 3.100 tỷ đồng đến cuối tháng 6, trong khi PVOIL âm gần 140 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, quá trình chuyển đổi về một đầu mối sẽ cần giai đoạn chuyển tiếp. "Cơ quan quản lý phải có giải pháp để doanh nghiệp nào bị âm quỹ về trạng thái bình thường", ông nói. Chủ tịch VINPA cũng nhắc tới phương án cho doanh nghiệp trích quỹ tới khi không âm, hoặc Nhà nước có thể bù cho doanh nghiệp bị âm khi về một quỹ chung.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PVOIL cho biết bản chất doanh nghiệp đang quản lý hộ tiền của người tiêu dùng. Khi giá thấp, nhà chức trách yêu cầu trích một phần để tạo quỹ. Ngược lại, họ sẽ lấy một khoản từ quỹ để hạ nhiệt mặt bằng khi giá tăng.
Thực tế, theo quy định, doanh nghiệp không được sử dụng quỹ cho việc riêng, ngoại trừ để bình ổn thị trường. Song, giới chuyên môn từng phân tích, tại nhiều thời điểm, các mặt hàng biến động trái chiều, dẫn đến bất bình đẳng. Ví dụ, xăng tăng phải lấy quỹ bình ổn bù vào, nhưng dầu diesel giảm giá phải trích quỹ. Như vậy, người dùng dầu diesel phải bù cho dùng xăng.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp bị âm Quỹ bình ổn do họ bán các mặt hàng phải bù quỹ nhiều hơn. Chẳng hạn, tại PVOIL, xăng sinh học E5 RON 92 chiếm phần lớn trong cơ cấu. Đây là mặt hàng được Nhà nước khuyến khích sử dụng, có mức và tần suất chi quỹ nhiều hơn. Do đó, công ty này thường rơi vào tình trạng âm quỹ, giai đoạn cao nhất lên tới 1.000 tỷ đồng, vài năm gần đây số này giảm về khoảng 130-140 tỷ.
"Chúng tôi phải ứng tiền, dùng nguồn lực của mình cho quỹ", ông Dương nói, cho biết với đầu mối không có tiền họ còn phải vay ngân hàng để bù. Vì thế, đại diện PVOIL đề xuất sau khi tất cả đầu mối cùng nộp tiền về ngân sách, Nhà nước nên cấp bù phần đã ứng ra cho những doanh nghiệp bị âm quỹ.
Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia cho rằng quy định tại dự thảo không khác gì bỏ Quỹ bình ổn giá. Bởi, vai trò của quỹ sẽ mờ nhạt, không còn nhiều tác dụng bình ổn thị trường. Họ đề xuất nhà chức trách mạnh dạn bỏ quỹ này.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất Nhà nước bình ổn mặt hàng này bằng hiện vật (xăng dầu), tức phải có quỹ dự trữ xăng dầu đủ lớn, thay vì duy trì Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, ông lưu ý quỹ dự trữ này phải đủ lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng 3-6 tháng. Quỹ cũng phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước.
Hiện cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ các nguồn, gồm dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (20 ngày cung ứng), thương nhân phân phối (5 ngày); dự trữ quốc gia và sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu.
Tuy nhiên, quy định dự trữ thương mại từng được họ phản ánh là ảnh hưởng tới tài chính, rủi ro về giá, vì nhiều thời điểm "mua lúc giá cao, hàng về tới kho đã giảm". Ở dự thảo nghị định lần này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án với dự trữ lưu thông xăng dầu của doanh nghiệp, là 20 ngày hoặc 25 ngày cung ứng.
Trong khi đó, nguồn dự trữ quốc gia (dầu thô, sản phẩm xăng dầu) lại mỏng, khoảng 7-9 ngày nhập ròng. Việt Nam đang tính nâng mức này lên gấp 10 lần hiện nay, khoảng 75-80 ngày nhập ròng vào 2030.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng trường hợp duy trì quỹ bình ổn thì cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng. Chủ tịch VINPA cũng nói Nhà nước nên tập trung tăng nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia, để "khi cần bình ổn có thể bán hàng dự trữ ra thị trường".
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị nhà chức trách cần có công cụ khác để bình ổn thị trường xăng dầu. Chẳng hạn, thuế hay công cụ bảo hiểm giá để phòng ngừa rủi ro khi thế giới biến động. Cách làm này cũng được nhiều nước áp dụng.
Phương Dung