Những ngày cuối năm, mọi người ai nấy đều xôn xao chuyện đổi tiền lì xì tết. Hầu hết mọi người đều đổi 500 nghìn đến 1 triệu tiền mừng tuổi, có người sang hơn thì đổi đến cả chục triệu đồng. Lạ lùng thay, năm nay hầu hết mọi người đều đổi tiền 100, 200 nghìn thay vì 5 nghìn, 10 nghìn như trước.
Hỏi ra mọi người ai nấy đều bảo thời nay ai còn mừng tuổi 5, 10 nghìn đồng nữa. Mừng tuổi ít không được cảm ơn có khi lại bị con nít chửi là keo.
Anh bạn còn hồ hởi kể cho tôi nghe về chuyện tế nhị xảy ra tết năm trước. Khi anh vừa lì xì cho mấy cậu nhóc, chúng chỉ vội cảm ơn qua loa cho xong chuyện rồi mở bao lì xì xem bên trong bao nhiêu. Thấy tờ 10 nghìn đồng, mấy đứa kháo nhau kêu “bèo quá” rồi rút tờ tiền nhét vào túi áo, ném luôn cái bao trước mặt anh, làm anh ngượng chín mặt với những người xung quanh.
Nghe xong, tôi chỉ biết cười xòe cho qua chuyện. Hóa ra tiền mừng tuổi thời nay không đơn giản nằm ở tấm lòng, ở ý nghĩa “lấy hên” mà chủ yếu nằm ở “sức nặng” giá trị của đồng tiền bên trong bao lì xì đó là bao nhiêu?
Lì xì là một phong tục đẹp của nước ta trong dịp tết cổ truyền. Vào những ngày tết, ông bà sẽ lì xì mong con cháu mình sang năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, các cháu nhỏ thì mau ăn chóng lớn, học hành chăm chỉ...
Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, tục lì xì đang dần bị thương mại hóa dần. Người lớn đã biến chuyện lì xì thành văn hóa “phong bì” để mong thăng quan, tiến chức, để nhẹ nhàng trong quan hệ xã hội làm ăn. Chính thói thực dụng của người lớn đã vô tình lây sang con trẻ và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tục lì xì.
Nhiều nhà còn biến tục lì xì thành kiểu lì xì như trả nợ. Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu. Nhiều nhà đi chơi tết còn cố đèo đi cho bằng hết những đứa trẻ trong nhà đi để kiếm được thật nhiều tiền mừng tuổi tết.
Tết đến có lẽ không ít người người cảm thấy khó xử và đau đầu với chuyện lì xì ngày tết. Phải chăng đã đến lúc để người lớn chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự của nó, nhìn nhận lại vấn đề thực tế mà nó đang bị biến tướng. Đã đến lúc chính người lớn chúng ta phải trả lại giá trị nhân văn của tập tục này.
>> Xem thêm: Vì sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi / Những phong tục đẹp khai xuân đầu năm
Lê Điệp
Chia sẻ bài viết của bạn về Tết tại đây.