Mười năm trước, một đêm mưa, tôi nhận được cuộc gọi của bố: "con đến bệnh viện Việt Đức gấp, chú P bị tai nạn".
Chú P là em trai bố tôi, khi ấy ngồi một ở ghế phụ bên phải tài xế của chiếc xe khách trên đường về Hà Nội. Trời mưa, tài xế phóng nhanh, qua một khúc cua không kịp phanh, đâm thẳng vào đuôi xe rơ-moóc phía trước. Chú tôi khi ấy đang ngủ, lãnh trọn cú đâm. Chú bị đa chấn thương, gãy chân, gãy xương sườn, chấn thương sọ não nặng.
Trải qua mấy tháng trời với nhiều cuộc phẫu thuật, chú tôi giữ được mạng sống, nhưng thần kinh thì không còn như ban đầu, hay nói linh tinh như đứa trẻ và hoàn toàn mất sức lao động. Cậu tài xế thì thiệt mạng.
Khi vào bệnh viện, tôi nhìn thấy bao nhiêu ca tai nạn giao thông với đủ loại máu me khắp cơ thể, và tất nhiên là cả những tiếng gào khóc của người nhà, khi bác sĩ lắc đầu, kết luận tử vong ngoại viện. Chỉ cần nhìn thấy những cảnh đó thôi, mà tôi tự nhủ ra đường phải cẩn thận hơn bao giờ hết, dù tôi cũng thuộc dạng "chân to", lái xe khá nhanh, tất nhiên tôi nghĩ rằng mình nhanh nhưng không ẩu.
Những tài xế lái xe khách, những người đang giữ trong tay mạng sống của hàng chục người, sao họ không chút suy nghĩ khi dậm ga thật sâu, khi vượt lên ở khúc cua. Gia đình 13 người trong vụ tai nạn ở Sơn La mới đây lẽ ra phải được hưởng niềm vui khi xuống Hà Nội dự đám cưới, thì lại trở thành ngày buồn khi có nhiều đám tang. Tài xế xe khách phóng nhanh vượt ẩu phải chịu bao nhiêu lần tội mới đủ, mà chắc chắn là không bao giờ đủ, để đền hết nỗi đau này.
Câu hỏi vì sao tài xế xe khách phóng phanh đã thảo luận quá nhiều những năm qua. Người cho rằng vì áp lực chuyến, áp lực bắt khách dọc đường không để nhà xe khác "vợt" được khách trước, rồi áp lực về sớm để tiếp tục xe hoặc tài chạy chuyến nữa. Nhưng ngay cả những nhà xe bán vé, đủ chỗ, không bắt khách dọc đường thì cũng không ít tài xế chạy ẩu. Đó là vì tâm lý ngồi xe to, tâm mình làm "bố" thiên hạ, người khác phải tránh.
Nhưng dù là gì đi chăng nữa, cũng không lý do nào có thể biện minh cho việc làm sai trái. Vậy nên tôi để xuất, trước khi sẵn sàng cầm lái vô-lăng những chiếc xe 16, 24, 29, 45 chỗ, tài xế nên được làm việc vài ngày trong phòng cấp cứu bệnh viện, lao động công ích, hoặc đơn thuần là ở đó và quan sát, sẽ thấy rằng, chỉ mình quyết định ẩu ngoài đường, là kéo theo bao nhiêu mảnh đời bất hạnh trong phòng cấp cứu.
Các tài xế xe khách, giúp tôi trả lời câu hỏi này: lúc nhấn chân ga, bạn có nghĩ tới gia đình mình, gia đình những người ngồi sau lưng mình hay không?
Độc giả Tiến Thành