BS.CK1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết để tiết kiệm chi phí và thời gian nấu nướng, nhiều người dùng cơm nguội cho bữa ăn tiếp theo.
Về lợi ích, cơm nguội có hàm lượng tinh bột kháng cao hơn cơm nóng. Tinh bột kháng là một loại tinh bột không được tiêu hóa và hấp thụ bởi cơ thể, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm lượng đường trong máu, tăng cảm giác no và tốt cho sức khoẻ đường ruột.
Do đó, cơm nguội không dễ tiêu hóa và không làm tăng vọt lượng đường trong máu như cơm nóng, chứa ít calo hơn cơm nóng... Vì thế, cơm nguội sẽ phù hợp cho những người đang theo đuổi chế độ giảm cân hoặc có lượng đường huyết cao.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Mai, người gầy, người có khả năng tiêu hóa kém như trẻ em, người lớn tuổi, người ốm bệnh cần nhiều năng lượng, phụ nữ mang thai..., nên ăn cơm ấm nóng và hạn chế những món nguội lạnh vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiết dịch tiêu hóa và nhu động ruột, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cơm nguội để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là các loại vi khuẩn có hại như Bacillus cereus, Salmonella, Staphylococcus aureus... Các loại vi khuẩn này có thể sản sinh ra các độc tố gây hại cho cơ thể, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Cơm nguội có thể để ở nhiệt độ phòng trong 2-4 tiếng, trong ngăn mát từ 2-4 ngày và ngăn đông 2-3 tháng. Song, loại cơm này nên được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C trở xuống để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Ngoài ra, khi cơm nguội có những dấu hiệu như bị ôi thiu, có mùi lạ, vị chua hoặc có dấu hiệu bị nấm mốc thì bạn tuyệt đối không nên ăn vì có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Mỹ Ý