Nem chua được xem là món đặc sản của xứ Thanh. Người dân Thanh Hóa vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để làm quà cho người thân hoặc biếu bạn bè thưởng thức. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon lại có phần giản tiện nên không thể thiếu trong mâm cỗ. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu thịt nạc lợn tươi rói, bì cạo sạch và nhiều gia vị đặc trưng rất hấp dẫn…
Theo khảo sát, hiện tất cả các cửa hàng buôn bán nem trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đều đã đồng loạt tăng giá. Ảnh: Lê Hoàng |
Tại Thanh Hóa hiện có cả nghìn cơ sở sản xuất nem chua, nem thính và nem nướng các loại, tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, huyện Thọ Xuân, Cẩm Thủy... Mỗi năm các cơ sở này sản xuất hàng triệu quả nem cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Giá nem chua Thanh Hóa thường ổn định suốt cả năm nhưng đến những ngày cận Tết (thường bắt đầu từ sau tết ông Táo, 23 tháng Chạp), mặt hàng này lại bị đẩy giá lên gấp rưỡi thậm chí gấp đôi ngày thường. Lý do được các chủ cơ sở sản xuất hay các cửa hàng bán nem đưa ra là sức tiêu thụ lớn, thêm vào đó là giá nguyên liệu đầu vào (thịt lợn, lá chuối, gia vị) và ngày công lao động tăng cao.
Theo khảo sát, hiện tất cả các cửa hàng buôn bán nem trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đều đã tăng giá. Tại một số cửa hàng bán nem trên đường Bà Triệu, trước cổng bến xe phía Bắc, nem chua đã được “hét giá” lên từ 50.000 - 60.000 đồng một chục quả, tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
Xưởng làm nem tất bật ngày Tết. Ảnh: Lê Hoàng |
Giá tăng cao nhưng nhiều khách hàng vẫn phải chấp nhận. Anh Nguyễn Duy Thắng, một người dân phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa cho biết, năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết là gia đình lại phải tìm mua vài trăm nem để dành ăn Tết và tiếp khách. “Năm nay giá nem tăng đột biến so với năm ngoái, tuy nhiên vẫn rất khó mua hàng. Nếu không đặt trước sẽ không có nem ngon vừa ý”, anh Thắng nói.
Chị Cao Thu Phương (35 tuổi, chủ cửa hàng nem chua Cây Đa, phường Điện Biên) cho biết, gia đình đã có 35 năm với mấy đời làm nem nên để giữ uy tín với khách hàng, cơ sở thường không tăng giá quá cao mà chủ yếu theo phương châm lấy công làm lãi. “Dịp Tết, nhiều cơ sở làm nem không tên cũng ào ạt làm nem tung ra thị trường. Do chạy đua với số lượng nên ít nhiều chất lượng nem không đạt tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến thương hiệu nem chua Thanh Hóa”, chị Phương nói và cho biết, hiện giá bán nem ở cửa hàng chỉ tăng khoảng 20-30% so với giá ngày thường.
Để có hàng phục vụ Tết cổ truyền, nhiều cơ sở làm nem truyền thống ở TP Thanh Hóa đã tăng công suất lên gấp đôi, gấp ba ngày thường. Bà Phạm Thị Tuyến (57 tuổi, chủ cửa hàng nem chua Thắng Tuyến trên đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết là nhu cầu của người dân tăng đột biến. “Những ngày thường, cơ sở chúng tôi chỉ sản xuất 5.000 - 7.000 quả. Tuy nhiên vào dịp tết, thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, cơ sở phải tăng gấp ba lần sản lượng, khoảng trên 20.000 quả”, bà Tuyết nói và cho biết thêm, việc làm nem cũng yêu cầu kỹ thuật thành thục nên không thể thuê thêm lao động thời vụ. Do đó, để đảm bảo phục vụ khách hàng, hơn 20 lao động làm việc thường xuyên tại cơ sở này phải tăng ca lên gấp đôi ngày thường, làm việc thâu đêm.
“Để có nem ăn tết hoặc tặng quà cho người thân, khách hàng thường đặt trước cả tháng để cơ sở chủ động nhập nguyên liệu và lên kế hoạch sản xuất. Hiện giờ chúng tôi đã quá tải nên tạm dừng nhận đặt hàng”, bà Tuyết nói.
Thời điểm hiện tại, vẫn có hàng trăm khách hàng tìm đến các cơ sở nem chua uy tín trên địa bàn thành phố Thanh Hóa mua hàng nhưng đã bị từ chối phục vụ vì quá cận Tết.
Lê Hoàng