Nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thực hiện, đăng trên tạp chí Nature, hôm 26/12. Đây là một trong những phân tích toàn diện nhất về sự tồn tại của virus trong cơ thể người. Các nhà khoa học phát hiện nCoV có khả năng tái tạo ở những tế bào ngoài đường hô hấp.
Chuyên gia tại NIH cũng chỉ ra rằng quá trình virus chậm đào thải là nguyên nhân gây ra triệu chứng dai dẳng hậu Covid-19 (còn gọi là Covid-19 kéo dài). Theo tác giả nghiên cứu, việc hiểu rõ cơ chế tồn tại của virus và phản ứng của cơ thể với các ổ chứa virus sẽ giúp cải thiện công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Ziyad Al-Aly, Giám đốc Trung tâm dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống Y tế St. Louis ở Missouri, nhận định: "Lâu nay chúng tôi vẫn đau đầu với câu hỏi tại sao Covid-19 ảnh hưởng nhiều cơ quan đến vậy. Nghiên cứu này làm sáng tỏ một số điều, có thể giải thích lý do Covid-19 kéo dài xảy ra ở cả người bệnh cấp tính nhẹ hoặc không có triệu chứng".
Báo cáo của NIH chủ yếu dựa trên dữ liệu thu thập từ các trường hợp tử vong do Covid-19. Các nhà khoa học lấy mẫu và phân tích mô từ 44 bệnh nhân đã tử vong do nhiễm nCoV trong năm đầu tiên đại dịch. Họ phát hiện ra RNA của nCoV tồn tại dai dẳng ở nhiều bộ phận cơ thể, gồm cả não, trong khoảng 230 ngày sau khi có triệu chứng. Đây có thể là các "tàn dư virus" - hiện tượng từng xảy ra với các bệnh nhân sởi.
Khác với những nghiên cứu khám nghiệm tử thi trước đó, việc thu thập mô tử thi của NIH toàn diện hơn, diễn ra trong khoảng một ngày ngay sau khi bệnh nhân qua đời. Các nhà khoa học của NIH cũng sử dụng nhiều kỹ thuật bảo quan mô khác nhau để phát hiện và định lượng mức độ virus. Đồng thời, họ phát triển virus thu thập từ nhiều mô, bao gồm tim, phổi, ruột non và tuyến thượng thận từ những bệnh nhân tử vong trong tuần đầu nhiễm bệnh.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy dù nCoV là virus đường hô hấp và phổi, nó có thể phát tán sớm trong quá trình lây nhiễm, lan sang các tế bào khắp cơ thể, trong đó có não bộ", các tác giả cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiễm trùng hệ thống phổi có thể dẫn đến giai đoạn "viremic" sớm. Đây là tình trạng virus hiện diện trong máu, lan đến khắp cơ thể, qua cả hàng rào máu não ở bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Một trong số những bệnh nhân được khám nghiệm tử thi là trẻ vị thành niên. Người bệnh có khả năng tử vong vì các biến chứng co giật không liên quan đến virus. Điều này cho thấy trẻ em mắc Covid-19 cũng có thể nhiễm trùng toàn thân.
Theo các chuyên gia, việc đào thải virus kém hiệu quả trong các mô bên ngoài hệ thống phổi dẫn đến tình trạng suy yếu miễn dịch ngoài đường hô hấp. Họ đã phát hiện nCoV trong não của tất cả 6 bệnh nhân tử vong một tháng sau triệu chứng đầu tiên.
Tiến sĩ Al-Aly cho biết việc tập trung nghiên cứu vùng não sau mắc Covid-19 đặc biệt quan trọng. "Nó có thể giúp chúng tôi hiểu rõ hơn chứng suy giảm nhận thức thần kinh hoặc ‘sương mù não' và các biểu hiện thần kinh khác của Covid-19 kéo dài", ông nói.
"Chúng ta cần coi nCoV như một loại virus toàn thân, có thể chấm dứt ở một số người, nhưng tồn tại trong nhiều tuần hoặc vài tháng ở người khác, tạo ra Covid-19 kéo dài - tình trạng rối loạn hệ thống", ông Al-Aly cho biết thêm.
Thục Linh (Theo SCMP)