"KFOR trả lời nghị quyết của Liên Hợp Quốc phê chuẩn cho nhiệm vụ của họ tại đây và thấy không cần thiết phải đưa quân đội Serbia trở lại Kosovo", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 8/1 thông báo về quyết định của Lực lượng Kosovo (KFOR) thuộc NATO.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ quy định nếu KFOR chấp thuận, Belgrade có thể bố trí cảnh sát và binh sĩ tại các chốt kiểm soát giữa Serbia và Kosovo, cũng như các cơ sở thờ tự của Chính thống giáo và khu vực có đa số người Serb sinh sống tại vùng ly khai.
Tổng thống Vucic tháng 12/2022 đề nghị NATO cho Serbia triển khai 1.000 binh sĩ và cảnh sát tới Kosovo sau khi nổ ra đụng độ giữa giới chức vùng ly khai và cộng đồng người Serb tại đây. Ông Vucic ngày 8/1 chỉ trích KFOR khi tới trước đêm Giáng sinh của Chính thống giáo mới phản hồi đề nghị của Serbia.
Cảnh sát Kosovo ngày 6/1 thông báo bắt một binh sĩ tình nghi bắn bị thương hai người Serb gần thị trấn Shterpce. Hai nạn nhân 11 và 21 tuổi được đưa tới bệnh viện với vết thương không ảnh hưởng tới tính mạng. Truyền thông Serbia đưa tin một thanh niên bị nhóm người Albania hành hung sau khi đi lễ nhà thờ vào sáng 7/1.
Các quan chức Serbia gọi các vụ tấn công nói trên là "hành vi khủng bố" cho thấy dân Serb "không được mong muốn ở Kosovo". Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế lên án các vụ tấn công, bày tỏ lo ngại chúng sẽ làm sâu sắc mối bất hòa giữa người Albania chiếm đa số với khoảng 120.000 người Serb tại Kosovo.
Căng thẳng bùng phát sau khi giới chức Kosovo bắt một cựu cảnh sát người Serb với cáo buộc liên quan các vụ tấn công nhằm vào người Albania. Tức giận với vụ bắt cựu sĩ quan cảnh sát, hàng trăm người Serbia đỗ xe tải chắn ngang làm tê liệt giao thông trên tuyến đường qua hai trạm kiểm soát cửa khẩu giữa Kosovo và Serbia.
Tổng thống Vucic cuối tháng 12/2022 thông báo dỡ bỏ chướng ngại vật tại các trạm kiểm soát giữa Serbia và Kosovo sau lời kêu gọi của Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm leo thang căng thẳng. "Rào chắn sẽ được dỡ bỏ, nhưng sự ngờ vực vẫn còn", ông Vucic nói.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2 với dân số 1,8 triệu người, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại LHQ do Nga và Trung Quốc phản đối.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)