Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giữ cương vị này từ tháng 10/2014. Ông dự kiến tại nhiệm đến tháng 9/2022, có nghĩa các đồng minh NATO chỉ còn khoảng hơn một năm nữa để tìm người thay thế.
Tại trụ sở của tổ chức ở Brussels, Bỉ, các cuộc thảo luận mới chỉ bắt đầu và người kế nhiệm Stoltenberg dự kiến được giới thiệu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm sau.
Tuy nhiên, nhiều đồn đoán đã nổi lên tại Brussels cũng như ở thủ đô các quốc gia thành viên khác. Một số quan chức, nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng sau 72 năm, đã đến lúc NATO lần đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ vào chiếc ghế lãnh đạo.
Những người khác lại đánh giá trong bối cảnh căng thẳng với Nga chưa có dấu hiệu lắng dịu, chọn một lãnh đạo Tây Âu sẽ gửi đi tín hiệu quan trọng tới Moskva.
Đặt hai "bộ lọc" trên lại với nhau, ba cái tên sáng giá nhanh chóng vươn lên hàng đầu danh sách ứng viên, gồm cựu tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic, cựu tổng thống Litva Dalia Grybauskaite và đương kim Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid.
Grabar-Kitarovic, nữ tổng thống đầu tiên của Croatia trong nhiệm kỳ 2015-2020, có lợi thế là từng làm việc tại trụ sở NATO với tư cách trợ lý tổng thư ký về ngoại giao công chúng từ năm 2011 đến 2014.
Những người phản đối thì cho rằng Grabar-Kitarovic, người đã xây dựng sự nghiệp với tư cách một chính trị gia bảo thủ trung hữu, đã tự làm xấu hình ảnh bản thân khi chấp nhận ngả về phía cực hữu trong chiến dịch tái tranh cử thất bại năm 2019.
Nhưng Grabar-Kitarovic vẫn được nhìn nhận là người có hồ sơ ấn tượng nhất trong số các ứng viên lãnh đạo tiềm năng của NATO. Bà từng là bộ trưởng châu Âu và ngoại trưởng Croatia. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Croatia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Bà đồng thời từng giữ chức đại sứ Croatia tại Mỹ.
Hồi mùa xuân, với tư cách chuyên gia Viện Chính sách và Chính trị Sine của Đại học Mỹ, Grabar-Kitarovic đã tổ chức một buổi thảo luận về tương lai NATO, ở đó bà đã nhấn mạnh việc bản thân đã đầu tư tâm sức nhiều như thế nào cho vấn đề Afghanistan trong thời gian giữ chức trợ lý tổng thư ký.
"Tôi yêu công việc tại NATO", Grabar-Kitarovic phát biểu tại sự kiện, có sự góp mặt của cả cựu tổng thư ký NATO kiêm cựu ngoại trưởng Hà Lan Jaap de Hoop Scheffer, người giữ nhiệm kỳ từ năm 2004 đến 2009.
Giữ cương vị này sau Scheffer và trước Stoltenberg là cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen. Bản thân Stoltenberg cũng từng giữ ghế thủ tướng Na Uy.
Theo các nguồn tin bên trong NATO, thật khó để tưởng tượng việc liên minh chọn một gương mặt không phải lãnh đạo bộ ngoại giao hay chính phủ cho ghế tổng thư ký.
Sự yêu thích của NATO đối với các cựu lãnh đạo quốc gia dẫn đến những đồn đoán gần đây về việc cựu thủ tướng Anh Theresa May có thể là một ứng viên tiềm năng.
Mark Sedwill, thư ký nội các kiêm cố vấn an ninh quốc gia dưới thời thủ tướng May, cũng được dự đoán như một ứng viên đại diện của Anh cho ghế lãnh đạo NATO.
Một cựu đại sứ có ảnh hưởng tại NATO cho biết Anh được kỳ vọng sẽ chạy đua quyết liệt cho ghế tổng thư ký như một cách để thể hiện rằng nước này vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Âu hậu Brexit.
Nhưng các nhà ngoại giao lưu ý rằng trình độ chuyên môn sẽ được NATO đánh giá cao hơn nhiều so với yếu tố quốc tịch, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, quản lý và giao tiếp.
Những tiêu chí này có thể sẽ tạo ra trở ngại lớn với cựu thủ tướng May, người bị đánh giá thấp về cả kỹ năng quản lý lẫn giao tiếp trong giai đoạn Anh rời Liên minh châu Âu .
Sedwill trong khi đó chưa bao giờ giữ cương vị bộ trưởng ngoại giao hay bộ trưởng quốc phòng, hai vị trí được coi là yêu cầu tối thiểu với bất kỳ lãnh đạo NATO nào.
Mỹ, Pháp, Đức, Anh theo truyền thống được nhìn nhận là những đồng minh có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình lựa chọn tổng thư ký. Nhưng với việc các nước châu Âu chiếm tới 21 trên 30 thành viên NATO, Anh thời hậu Brexit sẽ gặp không ít khó khăn trong nỗ lực tập hợp ủng hộ.
Những gương mặt Tây Âu khác trong danh sách ứng viên có thể kể đến Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người đang bận rộn thành lập một liên minh chính phủ mới, và Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes, người từng là quyền thủ tướng.
Giới quan sát cũng cho rằng chọn một tổng thư ký NATO từ các nước Baltic, đặc biệt là cựu tổng thống Grybauskaite của Litva, có thể bị coi là quá thù địch đối với Moskva ở vào thời điểm mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng ổn định quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn là quốc gia của ứng viên có hoàn thành mục tiêu đóng góp 2% GDP vào chi tiêu quốc phòng NATO hay không. Đây là một chỉ dấu mang tính biểu tượng song cũng rất quan trọng, có thể gia tăng cơ hội cho Tổng thống Estonia Kaljulaid.
Kaljulaid gần đây đã thực hiện một chiến dịch vận động để giành ghế tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, vị trí có vẻ phù hợp hơn nhiều với lý lịch của bà, song không thành công. Trước khi trở thành tổng thống vào tháng 10/2016, bà từng có 12 năm làm đại diện của Estonia tại Tòa án Kiểm toán Liên minh châu Âu.
Romania là một đồng minh NATO khác đáp ứng tiêu chí 2%, mang đến cơ hội giành ghế tổng thư ký cho Tổng thống Klaus Iohannis, dù nước này được coi là có quan điểm hơi hiếu chiến trước Nga.
Ở chiều hướng ngược lại, Grabar-Kitarovic có thể bị hoài nghi vì từng tỏ ra quá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại World Cup 2018. Lúc bấy giờ, bà là cổ động viên nổi bật cho đội tuyển Croatia trên hành trình tới trận chung kết giải đấu nhưng cuối cùng để thua trước đội tuyển Pháp trên sân vận động Luzhniki, thủ đô Moskva, Nga.
Pháp không chọn tổng thư ký nhưng có thể sử dụng quyền phủ quyết, điều sẽ giết chết cơ hội giành ghế của ứng viên Thổ Nhĩ Kỳ, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thời gian qua liên tục thúc đẩy NATO gắn kết chính trị hơn nữa, một mục tiêu mà Tổng thư ký Stoltenberg cũng tán thành.
Trong cuộc hội thảo tại Đại học Mỹ, Grabar-Kitarovic đã cho thấy bà cũng có quan điểm đánh giá rất cao vai trò của NATO, giống như Stoltenberg. Điều này từng giúp mang lại cho Stoltenberg danh tiếng là một người giao tiếp có kỷ luật, thậm chí trong bối cảnh chính trường thế giới hỗn loạn vì cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Cần lưu ý rằng NATO không chỉ là một liên minh quân sự. Đó còn là một liên minh chính trị và liên minh của các giá trị", Grabar-Kitarovic nhấn mạnh. "Chúng ta có chung một bản sắc dân chủ ở NATO".
Vũ Hoàng (Theo Politico)