"Chúng tôi đã tăng gấp đôi hiện diện ở biển Baltic và Biển Bắc lên hơn 30 tàu, được hỗ trợ bởi phi cơ tuần thám hàng hải và các hoạt động giám sát dưới biển", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ngày 11/10.
Theo ông Stoltenberg, động thái này nhằm bảo vệ các hạ tầng của liên minh, sau khi hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức bị phá hoại. "Hành động cố tình tấn công nhằm vào hạ tầng quan trọng của liên minh sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng thống nhất và kiên quyết", ông Stoltenberg bổ sung.
4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện cuối tháng 9, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch. Giới chức Thụy Điển tuần trước phong tỏa vùng biển quanh vị trí rò rỉ tại EEZ của nước này để điều tra.
Vụ phá hoại Nord Stream khiến các quốc gia châu Âu như Anh và Na Uy phải cử lực lượng canh gác tuyến đường ống khí đốt ở Biển Bắc. Anh còn phối hợp với một số nước châu Âu thành lập Lực lượng Liên hợp Viễn chinh nhằm triển khai lực lượng đa quốc gia tới Bắc Đại Tây Dương trong thời gian ngắn khi có sự cố.
Châu Âu đang điều tra vụ rò rỉ Nord Stream, nhưng từ chối nêu đích danh bên chịu trách nhiệm. Nga nghi ngờ phương Tây dính líu đến sự cố và cho rằng Mỹ là bên có lợi, trong khi Washington phủ nhận liên quan đến vụ rò rỉ.
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 3/10 thông báo có thể chuyển khí đốt qua đường ống cuối cùng còn nguyên trên tuyến Nord Stream 2, song điều này cần kinh phí và thời gian phù hợp.
Như Tâm (Theo AFP, The Nation)