Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times ngày 20/5, đã bác bỏ "lo ngại thiếu cơ sở" về viễn cảnh NATO bị kéo vào xung đột với Nga vì một số nước thành viên liên minh cử cố vấn quân sự đến Ukraine hỗ trợ huấn luyện quân nhân nước này.
Bà lập luận rằng NATO không thể tự động kích hoạt Điều 5 về phòng vệ tập thể dù cho quân nhân nước thành viên bị tấn công tại Ukraine.
Thủ tướng Kallas cho biết "một số nước đã gửi cố vấn đến huấn luyện tại thực địa" ở Ukraine, song không nêu cụ thể và nhấn mạnh những quốc gia đó đã tự chấp nhận rủi ro.
"Ngay cả khi những cố vấn này bị thương, sẽ không có kịch bản nước đó tuyên bố kích hoạt Điều 5 và đòi ném bom Nga. Đây không phải cách vận hành của NATO. Không có cơ chế tự động kích hoạt điều khoản. Những lo ngại về viễn cảnh này hoàn toàn thiếu cơ sở", Thủ tướng Estonia bình luận.
Nữ chính trị gia 46 cho rằng phương án hỗ trợ huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ Ukraine, thay vì bên ngoài vùng chiến sự, sẽ không làm leo thang xung đột. Bà cáo buộc Moskva đang cố tình thúc đẩy tuyên truyền về nguy cơ xung đột trực diện Nga - NATO.
"Bất luận chúng tôi chọn hành động như thế nào, Nga vẫn sẽ tấn công theo ý định của họ", bà nhận định.
Truyền thông Mỹ tuần trước tiết lộ một số thành viên NATO đang thảo luận phương án gửi cố vấn quân sự hoặc nhà thầu quân sự đến hỗ trợ Ukraine huấn luyện và bảo trì vũ khí. Kiev trước đó đã đề nghị Mỹ cùng các nước NATO tham gia chương trình huấn luyện khoảng 150.000 quân nhân đang đóng gần tiền tuyến.
Charles Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 15/5 cho biết việc NATO triển khai huấn luyện viên quân sự tới Ukraine là kịch bản khó tránh khỏi và "chỉ còn là vấn đề thời gian".
Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình chiến sự Ukraine hiện nay vẫn còn nhiều rủi ro đối với phương án điều động cố vấn NATO hỗ trợ huấn luyện. Đại tướng Mỹ cảnh báo viễn cảnh này có thể buộc Ukraine điều chuyển hệ thống phòng quý giá để bảo vệ quân nhân của liên minh, thay vì các hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2/5 tuyên bố nước này có thể điều quân tới Ukraine nếu lực lượng Nga chọc thủng phòng tuyến của Kiev và Paris được chính quyền Tổng thống Zelensky đề nghị giúp đỡ. Ông Macron trước đó cho biết phương Tây "không loại trừ khả năng" điều quân tới Ukraine, dù thừa nhận chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.
Chính phủ Mỹ tới nay vẫn từ chối đáp ứng yêu cầu đưa quân tới huấn luyện binh sĩ của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 16/5 tái khẳng định quan điểm của Washington về việc không triển khai binh sĩ Mỹ tới Ukraine, bao gồm cả huấn luyện viên quân sự.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó cũng kêu gọi các thành viên NATO không điều lính tới quốc gia này.
Nga nhiều lần đưa ra cảnh báo cứng rắn về ý tưởng NATO triển khai binh sĩ tới Ukraine. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 6/5 tuyên bố Moskva sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại phương Tây nếu binh sĩ NATO xuất hiện tại lãnh thổ của Kiev.
Thanh Danh (Theo FT, Kyiv Independent)