Một vận tải cơ NATO xuất phát từ Pháp lúc sáng sớm, bay về phía đông, qua các thành phố đang say ngủ cho đến khi chỉ còn cách biên giới Nga khoảng 160 km. Từ trên phi cơ, lính dù Pháp lần lượt nhảy xuống cánh đồng ở vùng nông thôn Estonia.
Đây là nội dung đổ bộ trong cuộc diễn tập hồi tháng 5 nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng phản ứng cho NATO trong trường hợp thành viên liên minh bị tấn công, một phần trong cam kết "bảo vệ từng tấc lãnh thổ" mà khối quân sự lớn nhất thế giới này đã đưa ra.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi đầu năm ngoái, lực lượng đa quốc gia của NATO đồn trú ở các nước Baltic và Ba Lan đóng vai trò như "hàng rào dây thép gai", hiện diện vừa đủ lớn để báo hiệu rằng bất kỳ hành động tấn công nào cũng sẽ bị đáp trả tập thể và tập hợp vừa đủ sức mạnh để làm chậm bước tiến của đối phương trong lúc chờ quân tiếp viện đến.
Chứng kiến cuộc chiến quy mô lớn của Nga ở Ukraine, NATO cho rằng "hàng rào thép gai" đó là chưa đủ và muốn tiến hành một cuộc đại tu để tăng cường khả năng phòng thủ, nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Moskva cũng như trấn an các quốc gia đồng minh.
"Mục tiêu là phát tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng chúng tôi rất sẵn sàng ngay từ ngày đầu tiên nổ ra xung đột, thậm chí đừng nghĩ đến chuyện động vào chúng tôi", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post.
Sau hơn một năm, NATO đang nỗ lực huấn luyện lực lượng dự bị để có thể triển khai tới các quốc gia biên giới nhanh hơn, cũng như bắt đầu tính toán phương án triển khai sẵn những loại vũ khí và thiết bị hạng nặng mà lính dù không thể mang theo trên người.
Tuy nhiên, liên minh đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết về số quân trực chiến như một số quốc gia thành viên mong muốn. Các cuộc phỏng vấn với hàng loạt quan chức cấp cao, cũng như các cựu quan chức NATO và nhà phân tích, cho thấy "cuộc đại tu" của liên minh vẫn còn cả chặng đường dài phải đi.
"Phản ứng nhanh hơn Nga tại một địa điểm quan trọng nào đó là thước đo duy nhất cho thấy khả năng răn đe hiệu quả, nhưng chúng ta vẫn chưa thể làm được điều này", Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ đồn trú tại châu Âu, cho hay. "Khả năng điều động quân vẫn là một vấn đề. NATO đã có thể điều quân tốt hơn so với 5 năm trước, nhưng chưa đủ để tạo ra khác biệt".
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, NATO đã củng cố sườn phía đông của mình một phần bằng cách lập thêm các nhóm tác chiến ở 4 quốc gia gồm Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. Theo phát ngôn viên NATO Oana Lungescu, khối này đang có 8 nhóm tác chiến với khoảng 10.000 quân trực chiến, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Khối cũng đã triển khai thêm hàng chục tàu chiến và hàng trăm tiêm kích đến những quốc gia vùng Baltic ở sườn phía đông, nơi vốn không có chiến đấu cơ của riêng mình. Họ còn triển khai thêm một số lượng lớn "chưa từng có" các hệ thống phòng không trên mặt đất, trong đó có tên lửa Patriot.
Nhưng các thành viên NATO vẫn lúng túng với nhiều khía cạnh khác trong chiến lược củng cố sức mạnh bảo vệ lãnh thổ.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi năm ngoái rằng liên minh sẽ tăng cường các nhóm chiến đấu ở sườn phía đông từ cấp tiểu đoàn lên cấp lữ đoàn, tương đương tăng từ khoảng 1.000 quân lên 3.000 quân.
Tuy nhiên, tuyên bố của hội nghị lại lưu ý rằng việc mở rộng quy mô sẽ diễn ra ở "những nơi bắt buộc và vào thời điểm bắt buộc", khiến các đồng minh lập tức nảy sinh tranh cãi về việc điều kiện nào là "bắt buộc" trên thực tế.
Mặt khác, một số đồng minh cho rằng việc tăng cường hiện diện quân sự ở sườn đông có thể hạn chế tính linh hoạt của NATO.
Đức, nước phụ trách nhóm tác chiến ở Litva, đã phản đối lời kêu gọi thành lập một lữ đoàn thường trực tại đây, với lý do rằng sẽ hợp lý hơn nếu giữ lực lượng dự bị ở các căn cứ của Đức. Theo phát ngôn viên quân đội Đức, họ đã cử 20 binh sĩ đến Litva với tư cách là "nhóm chỉ huy tiền phương" của một lữ đoàn bổ sung. Gần 6.000 người nữa có thể được điều động "nếu cần thiết và trong thời gian ngắn nhất có thể".
Các quan chức Litva phản bác rằng do vị trí địa lý của nước này, nếu xung đột nổ ra, Nga có thể vô hiệu hóa nhóm tác chiến quy mô nhỏ của NATO một cách nhanh chóng mà quân tiếp viện khó lòng đến kịp thời.
NATO cũng chưa thể hoàn tất kế hoạch đẩy nhanh tốc độ triển khai quân đến sườn đông.
Tổng thư ký Stoltenberg tháng 6 năm ngoái gây chú ý khi thông báo NATO sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 300.000 quân, tăng từ 40.000 quân trước đó, để có thể nhanh chóng triển khai nếu xung đột nổ ra.
Tuyên bố trên dường như khiến một số quan chức quốc phòng châu Âu ngạc nhiên, khi họ tự hỏi NATO sẽ huy động lượng binh sĩ đông đảo như vậy từ đâu. Các quan chức NATO sau đó phải đưa ra lời giải thích, nói rằng con số 300.000 quân mới chỉ là ý tưởng và có thể được đàm phán thêm.
Tomas Jermalavicius, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế Estonia, gần đây nhận xét động thái trên của NATO giống như việc "tàu rời ga trước khi xây đường ray".
Thủ tướng Estonia đang kêu gọi các đồng minh khác theo chân nước này tăng chi tiêu quân sự lên 3% GDP vào năm tới. Tuy nhiên, nhiều nước thậm chí vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn 2% GDP của NATO. Một số quốc gia nuôi hy vọng "rằng vấn đề sẽ biến mất dù họ không thực sự phải đầu tư vào quốc phòng", ông Kallas nói.
Giới phân tích nhận định để cung cấp khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy, NATO sẽ cần đầu tư vào hậu cần quân sự. Theo tướng Hodges, vấn đề hiện nay ở châu Âu là họ không có đủ số lượng xe lửa cần thiết để vận chuyển xe bọc thép hay cầu và đường hầm đủ rộng cho những phương tiện chiến đấu hiện đại.
Ông cho rằng NATO cần xây dựng thứ gì đó giống như "khu quân sự chung Schengen", nhằm cho phép các đoàn xe quân sự NATO "vượt qua biên giới các thành viên dễ dàng như xe tải chở táo".
Xây dựng lòng tin cũng là một chìa khóa quan trọng khác, theo Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, hiện là chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, trụ sở ở Berlin, Đức.
Grand cho rằng bất đồng giữa Đức và Litva về quân số của lực lượng thường trực "liên quan đến lòng tin chính trị và quân sự". Litva lo lắng rằng nếu xảy ra xung đột quân sự với Nga, lực lượng tiếp viện của Đức có thể bị trì hoãn vì những lý do chính trị.
Dù chiến lược tăng khả năng phòng vệ vấp nhiều trở ngại, Lungescu, người phát ngôn NATO, cho biết quân đội Đức trong tháng này sẽ tập huấn tăng cường nhóm tác chiến tại Litva lên cấp lữ đoàn.
Liên minh luôn cố gắng "đạt trạng thái cân bằng giữa quy mô hiện diện quân sự và khả năng nhanh chóng gửi quân tiếp viện", bà nói. "Không nên có bất kỳ hiểu lầm nào về ý chí và khả năng bảo vệ đồng minh của NATO".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)