Cuộc thảo luận giữa các thành viên NATO về triển vọng kết nạp Ukraine đang tăng nhiệt trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Litva vào đầu tháng 7. Vấn đề trở nên gấp rút sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đã đến lúc NATO đưa ra quyết định chính trị để mời Kiev gia nhập liên minh và muốn biết thời điểm được kết nạp.
Trong khi các lãnh đạo NATO nhất trí hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để khởi động tiến trình kết nạp Ukraine, nhóm các thành viên Đông Âu muốn liên minh đưa ra cam kết thực chất và vạch ra lộ trình gia nhập cụ thể cho Kiev.
Hơn 15 năm sau khi Mỹ vận động NATO đưa ra Tuyên bố Thượng đỉnh Bucharest tại Romania về triển vọng Ukraine gia nhập, câu hỏi khi nào Kiev có thể bước vào liên minh và các bên có thể làm những gì trong thời gian chờ đợi đang gây ra bất đồng, chia rẽ giữa các thành viên.
Theo tiết lộ từ quan chức các nước NATO với Washington Post, hầu như toàn bộ 31 thành viên liên minh đều nhất trí loại phương án chính thức mời Ukraine gia nhập trong hội nghị thượng đỉnh của khối ở thủ đô Vilnius của Litva ngày 11-12/7.
Nhưng mâu thuẫn nảy sinh khi nhóm Đông Âu yêu cầu NATO tại hội nghị thượng đỉnh ít nhất phải đưa ra cam kết về lộ trình gia nhập cho Ukraine với những mốc thời gian cụ thể. Trong khi đó, Mỹ và các thành viên Tây Âu muốn những bước đi khiêm tốn hơn, thậm chí mang tính thủ tục, như nâng cấp cơ quan hợp tác NATO - Ukraine hoặc mở rộng hỗ trợ kỹ thuật của NATO cho Kiev trong lĩnh vực quốc phòng.
"Hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ không mang ý nghĩa lịch sử nào nếu không đưa ra được quyết định về tương lai của Ukraine trong liên minh", Nataliia Galibarenko, trưởng phái đoàn đại diện của Ukraine tại NATO, chia sẻ.
Bà nói Ukraine hiểu rằng việc kết nạp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh là bài toán khó cho NATO. Dù vậy, Kiev tin tưởng đây là thời điểm phù hợp để NATO xác định rõ con đường vào liên minh, thay vì lặp lại tuyên bố quen thuộc về chính sách mở cửa với thành viên mới.
Những nước ủng hộ đẩy nhanh tiến độ kết nạp Ukraine vào NATO lập luận rằng quyết định này không nên phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của chiến sự Nga - Ukraine. Theo họ, điều kiện này đồng nghĩa Nga sẽ nắm "phiếu phủ quyết" cho lộ trình vào NATO của Ukraine, qua đó thúc đẩy Moskva kéo dài chiến sự để ngăn viễn cảnh Kiev gia nhập liên minh quân sự.
Vạch ra con đường gia nhập phù hợp cho Ukraine cũng là đề xuất của Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky. Ông tiết lộ "mức độ ý chí chính trị" về vấn đề này là nội dung đang được các thành viên NATO tập trung thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
Một số quan chức các nước vùng Baltic thậm chí cho rằng NATO nên gửi lời mời gia nhập chính thức cho Ukraine ngay trong tháng 7. Phương án còn lại được nhóm Baltic đề xuất là khởi động một tiến trình nội bộ, nhằm xác định khung thời gian và điều kiện gia nhập rõ ràng cho Ukraine.
Tuuuli Duneton, quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Estonia, nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva cần gửi đến Ukraine thông điệp cụ thể. "Sau những điều mà nước này hứng chịu trong cuộc chiến, họ xứng đáng có một vị trí trong NATO và chúng ta sẽ hoan nghênh họ tham gia", ông nói.
Tuy nhiên, khác với Thượng đỉnh Bucharest năm 2008, Mỹ cùng nhóm thành viên Tây Âu giờ đây không mấy hào hứng với phương án mở đường cho Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng NATO vào thời điểm này cần ưu tiên viện trợ cho Ukraine chiếm ưu thế trên chiến trường và chuẩn bị cho đợt phản công quy mô lớn.
"Lúc này chúng ta phải tập trung vào những hỗ trợ thực chất và cách duy trì hỗ trợ an ninh tốt nhất cho Ukraine. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất hiện nay", một quan chức cấp cao Mỹ trả lời báo chí ở Brussels hồi tháng 4.
Quan chức này cho rằng quan hệ NATO - Ukraine sau khi chiến sự kết thúc sẽ rơi vào trạng thái mơ hồ nếu các bên ngay lúc này "không đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta đủ sức duy trì hỗ trợ an ninh cho họ".
Một số nước lo ngại quyết định kết nạp Ukraine khi xung đột chưa kết thúc sẽ đẩy NATO vào tình cảnh đối đầu trực tiếp với Nga. Điều 5 trong hiệp ước thành lập NATO quy định khối có nghĩa vụ bảo vệ bất cứ thành viên nào bị tấn công vũ trang.
"Mục tiêu từ nay đến thượng đỉnh Vilnius là thúc đẩy thỏa thuận thể hiện đoàn kết và hỗ trợ cụ thể cho Ukraine, đồng thời duy trì chính sách mở cửa với thành viên mới và cho thấy nguyện vọng gia nhập của Ukraine có tiến triển. Thỏa thuận này cũng cần phản ánh được mối quan ngại của một số nước thành viên", một nhà ngoại giao Anh tiết lộ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định NATO ủng hộ nguyện vọng gia nhập của Ukraine, song chưa lần nào công bố điều này sẽ diễn ra vào thời điểm nào và phương thức ra sao. Trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 4, ông lặp lại lời kêu gọi các thành viên liên minh tập trung vào hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga trên chiến trường.
"Nếu Ukraine không giữ được chủ quyền và độc lập, mọi cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Kiev đều vô nghĩa", ông nói.
Kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay, NATO vẫn chưa có động thái hỗ trợ nào cho Ukraine với danh nghĩa toàn thể liên minh, thay vào đó là từng nước hoặc nhóm nước thành viên đưa ra những gói viện trợ riêng lẻ. Đại sứ Galibarenko cho biết Kiev muốn thuyết phục NATO tư vấn thiết kế lưới phòng không và hệ thống đánh chặn tên lửa tối ưu cho những vũ khí họ nhận được từ các nước phương Tây.
Ngoài ra, giới lãnh đạo Ukraine còn đang vận động NATO hỗ trợ thành lập hệ thống điều trị cho thương binh nước này và nghiên cứu xây dựng chương trình viện trợ nhân đạo về rà phá bom mìn. Song, Galibarenko nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Kiev vẫn là chiếc ghế trong liên minh quân sự.
"Nếu không có Ukraine, bảo vệ sườn đông NATO sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Giống như tác động của Phần Lan và Thụy Điển đối với sườn bắc của NATO khi hai nước này gia nhập liên minh, chúng tôi sẽ giúp NATO đảm bảo an ninh ở Đông Âu và Biển Đen", trưởng phái đoàn đại diện của Ukraine tại NATO lập luận.
Thanh Danh (Theo Washington Post)