"Đây là ngày tốt đẹp cho Thụy Điển, Phần Lan và cho toàn thể NATO. Với 32 quốc gia tập hợp lại, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ra tuyên bố chung với Ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan hôm 5/7.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg phát biểu trước khi cuộc họp gồm đại diện từ 30 quốc gia thành viên bắt đầu. Các nước dự kiến các nghị định thư gia nhập cho Thụy Điển và Phần Lan, khởi động quá trình phê chuẩn tư cách thành viên cho hai nước Bắc Âu dự kiến kéo dài nhiều tháng.
"Chúng tôi vô cùng biết ơn tất cả sự ủng hộ từ các đồng minh về việc gia nhập của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng tư cách thành viên của mình sẽ củng cố NATO và góp phần vào ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói.
Các lãnh đạo NATO hôm 29/6 ra tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha, mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sau khi toàn bộ liên minh đạt đồng thuận về việc kết nạp hai nước Bắc Âu.
Quốc hội mỗi nước thành viên sẽ cần phê duyệt quyết định mở rộng NATO và quy trình này không giống nhau ở từng nước. Tại Mỹ, quyết định kết nạp sẽ được thông qua nếu 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, Anh không yêu cầu bỏ phiếu chính thức tại quốc hội.
Quá trình này thường mất 8-12 tháng để hoàn tất, dựa trên những tiền lệ trước đây. Bắc Macedonia, nước gần nhất gia nhập NATO, đã chờ khoảng một năm.
Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập, song ngày 28/6 thông báo thay đổi quan điểm, ủng hộ hai quốc gia này vào liên minh. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó lại cảnh báo có thể chặn tiến trình nếu Stockholm, Helsinki không đáp ứng kỳ vọng của Ankara.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29/6 đánh giá động thái của hai nước Bắc Âu "gây bất ổn". Một ngày trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân "sát cửa ngõ" Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước vào NATO.
Ngọc Ánh (Theo AFP)