Theo Huffington Post, NASA tiến hành vụ phóng thử hôm 8/6 tại căn cứ quân đội Mỹ ở Hawaii. Đây là vụ phóng thứ hai, nhằm mục tiêu kiểm tra hiệu suất của hai thiết bị giảm tốc khí động học tiên tiến là một chiếc dù siêu thanh khổng lồ và Bộ phận giảm tốc siêu thanh có thể thổi phồng (SIAD). Đây là hai thiết bị nằm trong dự án phát triển tàu vũ trụ LDSD trị giá 230 triệu USD của NASA.
LDSD là tàu vũ trụ có hình dạng giống một đĩa bay bề mặt lớn, phẳng, tối ưu hóa khả năng tận dụng lợi thế của sức kéo tự nhiên hay lực ma sát trong bầu khí quyển khi tàu vũ trụ hạ thấp độ cao. SIAD bọc quanh thân tàu vũ trụ và được thổi phồng bằng khí nén, giúp tàu vũ trụ giảm tốc từ 4.200 km/h xuống 2.400 km/h hoặc thấp hơn.
Trong vụ phóng, một khinh khí cầu khổng lồ sẽ kéo chiếc dù siêu thanh lớn đường kính 30 m và tàu vũ trụ lên độ cao 36 km. Sau đó, tên lửa đẩy có tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh của LDSD đẩy tàu vũ trụ lên độ cao gần 55 km trong tầng bình lưu có điều kiện khí quyển giống sao Hỏa. Lúc này, để tăng tính an toàn cho tàu vũ trụ khi giảm độ cao và hạ cánh xuống biển, SIAD và dù siêu thanh lần lượt được triển khai.
Theo CNN, các nhà khoa học NASA hy vọng, vụ phóng thành công sẽ là chìa khóa đưa trang thiết bị phục vụ con người lên sao Hỏa trong tương lai. Tuy nhiên, vụ phóng thất bại vì "chiếc dù bị xé vụn và không thể vượt qua môi trường siêu thanh khắc nghiệt", Ian Clark, trưởng ban phát triển LDSD hôm nay cho biết. Dù vậy, ông đánh giá cao kết quả vụ phóng thử.
"Chúng ta đang vượt qua giới hạn công nghệ hiện nay về kỹ thuật học và giảm tốc khí động học," Clark nói. NASA dự kiến phóng thử lần thứ ba năm 2016. Vụ phóng thứ nhất diễn ra thành công hồi tháng 6/2014.
Thùy Dương