Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 11/5 thông báo kế hoạch đưa máy bay trực thăng không người lái cỡ nhỏ mang tên Mars Helicopter lên sao Hỏa, để hỗ trợ các nhiệm vụ thám hiểm và nghiên cứu, cũng như thử nghiệm khả năng hoạt động của phương tiện bay trên bầu khí quyển của hành tinh đỏ, theo NASA.
Mars Helicopter dự kiến được NASA phóng lên vào tháng 7/2020 và sẽ trở thành thiết bị bay cất cánh thẳng đứng đầu tiên trong lịch sử được đưa lên sao Hỏa. "NASA có lịch sử đáng tự hào về những sứ mệnh mang tính tiên phong", Quản trị viên của NASA, Jim Bridenstine, nhấn mạnh.
Dự án Mars Helicopter được triển khai từ tháng 8/2013 tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA. Mars Helicopter có nguyên lý hoạt động khá giống với máy bay trực thăng thông thường nhưng có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều, chỉ tương đương một quả bóng chày. Thiết bị nặng 1,8 kg và được trang bị hai cánh quạt có khả năng quay gần 3.000 vòng/phút, nhanh gấp 10 lần trực thăng trên Trái Đất.
Mars Helicopter sử dụng pin lithium-ion, được cấp năng lượng bằng một bộ sạc năng lượng Mặt Trời. Ngoài ra, thiết bị còn được trang bị hệ thống sưởi ấm để đối phó với thời tiết lạnh giá về đêm trên sao hành tinh đỏ.
Khó khăn lớn nhất khi phát triển thiết bị bay trên sao Hỏa là bầu khí quyển cực loãng của hành tinh này. Theo Mimi Aung, Giám đốc dự án, bầu khí quyển của sao Hỏa chỉ bằng 1% so với hành tinh của chúng ta, điều này có nghĩa là không khí ở bề mặt hành tinh đỏ sẽ tương đương bầu không khí Trái Đất ở độ cao hơn 30 km. Trong khi đó, kỷ lục độ cao mà máy bay trực thăng trên Trái Đất đạt được chỉ khoảng 12 km.
"Để Mars Helicopter bay được trong bầu khí quyển loãng như vậy, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng mọi thứ, làm cho khối lượng của nó nhẹ nhất có thể, đồng thời nâng cấp khả năng hoạt động của cánh quạt mạnh mẽ nhất có thể", Aung cho biết. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ không người lái mang theo Mars Helicopter sẽ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa vào tháng 2/2021.