Quyển "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài tôi đọc khi mới bắt đầu học tiếng Việt. Lúc đó, vốn liếng từ vựng tiếng Việt ít ỏi khiến tôi khó hình dung câu chuyện tác giả đang kể. Chữ tiếng Việt, từ trang sách màu cafe chạy đến mắt tôi, qua não tôi dịch ra tiếng Anh trước rồi mới thẩm thấu ý nghĩa của từng câu chữ, chậm chạp vô cùng. Bây giờ tôi ngồi đọc lại.
"Cái chàng Dế Choắt, người gày gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn ngủn đến giữa lưng, hở cả hai mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê".
Tôi say mê đọc đoạn này. Tôi thấy vui. Tôi thích uống cafe ở mấy đường sách, thích đi sưu tầm sách, những tác phẩm kinh điển.
Có lần, tôi tìm thấy một tác phẩm cũ trong mục sách kinh điển, bìa nhăn nheo, góc nhúm lại như nấm mèo. Bộ sách Gormenghast, viết vào năm 1946, khiến tôi sửng sốt vì khả năng tái hiện một thế giới sống động và giàu trí tưởng tượng hơn cả một bộ phim của Tim Burton, dù chỉ bằng chữ. Ví dụ, tác giả miêu tả về hai nhân vật phản diện: "Não bộ yếu ớt đến nỗi nếu có một ý nghĩ xuất hiện, họ có thể bị xuất huyết não. Cơ thể yếu ớt đến nỗi những chiếc váy màu tím của họ dường như không dành để chứa các dây thần kinh và gân cốt nữa mà chỉ như treo lơ lửng trên móc". Khi đọc, tôi thấy rõ các nhân vật trong tâm trí mình như pha trộn với những con rối cong queo méo mó đi lại trong lâu đài xa hoa - sống động hơn bất kỳ bộ phim nào.
Nhưng những mô tả đẹp như tranh vẽ, những ẩn dụ tuyệt vời như thế đã nằm đó, không được đụng đến trong nhiều năm. Bao nhiêu lượt độc giả không biết họ đã đi ngang qua một vũ trụ đẹp đến thế nào. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy nản lòng với một bộ sách dày, nặng và cũ kỹ này nhưng đây thật sự là một tác phẩm kinh điển mọi thời đại.
Và một nhà văn vĩ đại cần những độc giả tuyệt vời.
Đối với tôi, sách cũ là một kho báu. Đôi khi bạn đọc rồi bất chợt phải dừng lại, ngước lên và mỉm cười kinh ngạc trước thông tin được truyền tải qua câu chuyện. Những cuốn sách cũ bụi bặm này làm tôi cảm thấy "thoughtful", tức là đầy những suy nghĩ thú vị.
Với lý do này, tôi biết ơn vì ba mẹ tôi đã lấp đầy ngôi nhà bằng sách, những giá sách trong mỗi phòng như những bức tường giấy. Trong một nghiên cứu có tên là "Văn hóa học thuật: Sách ở tuổi vị thành niên giúp nâng cao kỹ năng đọc viết, tính toán và công nghệ của người lớn ở 31 xã hội như thế nào", các tác giả đã khảo sát 160.000 người lớn từ năm 2011 đến năm 2015, và phát hiện ra rằng chỉ cần 80 cuốn sách trở lên trong nhà cũng khiến mọi người có trình độ đọc viết, tính toán và kỹ năng công nghệ truyền thông (ICT) cao hơn đáng kể.
Trong lớp địa lý, tôi từng nấp dưới giá sách để giáo viên không nhìn thấy mình.
Thời xa xưa, các tác giả người Anh thường viết sách phiêu lưu và khám phá trước khi có truyền hình và ảnh chụp. Trước khi internet trở thành phương pháp du lịch tại chỗ, sách là phương tiện mang chúng tôi đi du lịch. Tôi đã say đắm trong Erewhon xuất bản năm 1872 của tác giả Samuel Butler. Erewhon cho nhân vật chính khám phá và thám hiểm một đất nước hư cấu. Tôi đã cùng anh ấy châm biếm xã hội Anh thời Victoria.
Erewhon là loại sách mà khi đặt nó xuống, suy nghĩ và nhìn nhận một cách sâu sắc về những ý tưởng trong sách, bạn sẽ mỉm cười với chính mình.
Samuel Butler, theo tôi, cũng là một trong những cây bút đầu tiên viết về "trí tuệ nhân tạo" với ý tưởng về ý thức máy móc và máy móc tự sao chép.
Bộ phim gần đây Dune, dựa trên tiểu thuyết của Frank Herbert được viết vào năm 1965, có những ý tưởng lớn lấy từ việc đọc Erewhon. Samuel đã thấy sự phát triển liên tục của công nghệ, trong thời điểm mà công nghệ chỉ mới bắt đầu thay đổi sau hàng trăm năm phát triển rất chậm. Ông dự đoán máy móc sẽ vượt qua con người và người sẽ trở thành gia súc của chúng.
Samuel rất "thoughtful" ở thời điểm năm 1872.
Tôi đọc Erewhon trong lớp Địa lý, đi du lịch những vùng đất xa xôi đó trong suốt học kỳ. Một hôm, giáo viên tức giận kéo giá sách sang một bên, để lộ ra tôi đang đọc sách trong giờ học. Giáo viên nói trước cả lớp rằng tôi có bốn tuần để hoàn thành tất cả bài tập và tôi chỉ có 51% khả năng đỗ.
Sau khi hoàn thành xuất sắc bài tập, tôi thổ lộ với thầy: "Nếu sách giáo khoa địa lý cũng được viết tốt như những cuốn sách về thế giới kỳ ảo của con thì con sẽ là học sinh giỏi nhất lớp".
Nhưng bây giờ thì khác. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Sách dường như là di tích của một thời đã qua.
Tôi ngồi trầm ngâm tại quán cà phê trên phố sách. Có 14 trong số 15 người đang dùng điện thoại, chủ yếu là chơi trò chơi. Người thứ 15 là một cô nói chuyện không ngừng nghỉ, nhưng có lẽ không thực sự nói bất cứ điều gì có ý nghĩa. Người ngồi cùng cô hẳn đồng ý trong mọi chuyện, vì trong lúc cô nói, anh ấy đang chơi trò chơi trên điện thoại.
Mới đây, Từ điển Oxford đã chọn brain rot (thối não) làm từ của năm 2024, chỉ tình trạng suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do tiêu thụ nhiều nội dung nhỏ nhặt, độc hại trực tuyến. Nhưng bất chấp sự cảnh báo này, tôi vẫn thấy hàng ngày, nhiều người vui vẻ chấp nhận những trò giải trí ngắn hạn như vậy.
Tôi tất nhiên nghi ngờ dự báo của Samuel rằng người sẽ trở thành gia súc của máy móc nhưng tôi cũng nhìn thấy khả năng đọc sách của con người bị tàn phá do giảm sức tập trung. Trong khi, chỉ bằng trí tưởng tượng, từ năm 1872, những người như Samuel Butler đã vẽ ra cả tương lai loài người.
Việc đọc sách kích thích trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng của con người như một nhà hát của tâm trí. Nếu không có trí tưởng tượng, chúng ta chỉ là đang mắc kẹt trong bộ não cá vui vẻ, không có sáng tạo, chỉ sao chép và dán, like, thả tim.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)