World Weather Attribution (WWA), liên minh các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thời tiết thế giới, hồi tháng 5 công bố báo cáo cho thấy Đông Nam Á vừa trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 200 năm qua, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tháng 4 và tháng 5 thường là thời kỳ nóng nhất năm ở Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng lên trước khi mùa mưa tới. Nhưng năm nay, mức nhiệt chạm ngưỡng cao chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, trong đó có những điểm du lịch nổi tiếng như Việt Nam hay Thái Lan.
Thái Lan ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt 45,4 độ C ngày 15/4, trong khi nhiệt độ ở Lào duy trì mức 43,5 độ C liên tục trong hai ngày tháng 5, còn kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam cũng bị phá vỡ hồi đầu tháng 5 với mức nhiệt 44,2 độ C tại Tương Dương, Nghệ An.
Nhà khí hậu học và lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera cho rằng "đây là đợt nắng nóng kinh khủng nhất" ở khu vực và nó tiếp tục kéo dài sang tháng 6. Ngày 1/6, Việt Nam tiếp tục ghi nhận ngày tháng 6 nắng nóng nhất lịch sử với mức nhiệt 43,8 độ C.
Trên đường phố Hà Nội, Phong, tài xế xe công nghệ 42 tuổi, bắt đầu làm việc từ 5h sáng, chạy xe máy hơn 12 tiếng mỗi ngày để chở khách hoặc giao hàng. Đợt nắng nóng trong hai tháng qua khiến công việc của Phong vất vả hơn.
Anh tự trang bị mũ, khăn ướt, vài chai nước để làm mát cơ thể khi nhiệt độ ban ngày trên mức 40 độ C. Nhiệt độ trung bình trong tháng 5 ở Hà Nội là 32 độ C.
"Nếu bị say nắng, tôi phải ngừng lái xe để nghỉ ngơi", anh nói với CNN trong bài viết đăng ngày 7/6. "Nhưng tôi không thể ngừng làm việc được".
Supot Klongsap, công nhân xây dựng ở Bangkok, vẫn phải làm việc trên công trường dù cơ quan y tế Thái Lan khuyến cáo người dân ở trong nhà để tránh sốc nhiệt do nắng nóng cực đoan. "Tôi bắt đầu đổ mồ hôi từ 8h và làm việc rất mệt. Tôi kiệt sức vì mất nước", anh nói.
Khu lán trại của công nhân lợp mái tôn, không thể chống nóng. Không đủ tiền thuê phòng có máy lạnh, Klongsap ngủ ở công trường, trằn trọc cả đêm vì quá nóng.
"Nước chảy ra từ đường ống ban đêm cũng nóng như đun", anh kể. "Chúng tôi chỉ có thể hạ nhiệt bằng cách uống nước đá".
Phong và Klongsap là hai trong số hàng triệu lao động ngoài trời ở khắp các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về sức khỏe từ đợt nắng nóng "trăm năm có một".
Dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho hay từ đầu tháng 4 tới cuối tháng 5, nhiệt độ ở 6 quốc gia Đông Nam Á đã gần mức 40 độ C trở lên mỗi ngày. Đây là ngưỡng nhiệt được coi là nguy hiểm, đặc biệt với người có bệnh nền hoặc người chưa trải qua nắng nóng khắc nghiệt.
Ở Thái Lan, nhiệt độ cảm nhận vượt mức 46 độ C trong 20 ngày tháng 4 và ít nhất 10 ngày tháng 5. Nhiệt độ cảm nhận là nhiệt độ cơ thể con người cảm thấy trong thực tế, được tính dựa trên dữ liệu nhiệt độ kết hợp với độ ẩm.
Trong tháng 4 và tháng 5, Việt Nam, Lào, Campuchia và Malaysia đều có vài ngày trải qua nắng nóng cực đoan. Myanmar hứng chịu 12 ngày nắng nóng, trước khi bão Mocha đổ bộ ngày 14/5.
Cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á thậm chí còn khó chịu và nguy hiểm hơn bởi độ ẩm cao. Độ ẩm cùng nắng nóng khắc nghiệt khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt với người mắc bệnh thận, tiểu đường và thai phụ.
"Khi nắng nóng, cơ thể liên tục đổ mồ hôi, nhưng chúng không thể bay hơi để làm mát do độ ẩm cao, dẫn tới tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trong trường hợp cấp tính có thể dẫn tới sốc nhiệt và tử vong", Mariam Zachariah, nghiên cứu viên về các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu tại WWA thuộc Đại học Hoàng gia London, nói.
Nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên 2 độ C, những đợt nắng nóng tương tự có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần. Nếu khí nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ tương tự, Thái Lan hay Myanmar có thể ghi nhận thêm 30 ca tử vong trên một triệu người do nắng nóng trong hai thập kỷ tới, theo dự báo từ chương trình Chân trời Khí hậu Nhân loại của Liên Hợp Quốc.
Lao động nghèo làm công việc ngoài trời là những người dễ bị tổn thương nhất trong các đợt nắng nóng, cũng như có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới sốc nhiệt nhiều nhất.
"Quan trọng là phải làm rõ ai có thể thích nghi, ai có thể đối phó và ai có đủ nguồn lực để làm việc này", Emmanuel Raju, tác giả kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa Copenhagen, nói ngày 17/5. "Đối với người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, một ngày nghỉ nghĩa là mất một ngày lương".
Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế, hơn 60% lao động ở Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Con số này ở Campuchia và Myanmar là 80%.
Nghiên cứu năm 2021 cho thấy người làm việc ngoài trời ở những nước đang phát triển có nguy cơ mất nước cao hơn hai tới ba lần so với người làm việc trong nhà, dẫn tới khả năng suy giảm chức năng thận và những bệnh khác.
Tại Thái Lan, chính phủ khuyến cáo người dân ở trong nhà, uống đủ nước, mặc quần áo sáng màu, tránh ăn đồ nóng, nhưng "không phải ai cũng đủ điều kiện làm theo", Chaya Vaddhanaphuti, giảng viên khoa địa lý Đại học Chiang Mai, nói.
Ông cho rằng cần đưa ra chương trình toàn quốc nhằm bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn ngừa nguy cơ sức khỏe.
Nắng nóng ngày càng cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn đe dọa môi trường và sinh kế, làm suy giảm năng suất mùa màng, buộc người dân nhiều nơi phải tự tìm cách ứng phó và khắc phục.
Tại làng Yotpieng và Phon ở đông bắc Lào, suốt nhiều thế kỷ qua, người dân ở đây thường bắt đầu đi hái chè lúc 7h sáng và mang về nhà vào buổi trưa. Nhưng những đợt nắng nóng gay gắt gần đây đã cản trở thói quen làm việc lâu nay. Họ phải đổi giờ làm việc từ sáng sang chiều trong những đợt nắng nóng, đồng thời lo lắng chất lượng trà bị ảnh hưởng.
"Thời tiết năm nay nóng hơn năm ngoái, khiến lá chè bị khô", Boua Seng, nông dân trồng chè, cho hay.
Vieng Samai Lobia Yaw, quản lý một cơ sở chế biến chè, lo lắng lá chè năm nay không đủ to, khiến sản lượng thu hoạch mỗi ngày giảm 50%. "Thật lãng phí. Chúng tôi trả công người lao động nhiều hơn nhưng sản phẩm thu về ít hơn", bà nói.
Nông dân trồng chè ở Lào đã tìm cách khắc phục bằng cách trồng cây ăn quả tán lớn như đào hoặc mận để tạo bóng mát cho đồi chè, trong khi người khác bón thêm phân hữu cơ nuôi cây.
"Chè trong bóng râm cho lá xanh đẹp", Thongsouk, nông dân trồng chè, giải thích. "Chúng tôi còn kiếm thêm thu nhập bằng cách bán trái cây".
Nhưng theo các chuyên gia, nếu không có cách tiếp cận toàn diện trên phạm vi toàn cầu để nhanh chóng giảm tình trạng phát thải khiến hành tinh nóng lên, cũng như giải quyết các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan đối với cá nhân, cộng đồng và môi trường, tổn thất kinh tế và sức khỏe do nắng nóng gây ra sẽ nghiêm trọng hơn.
Khi tháng 6 tới, nhiều người dân Đông Nam Á vẫn chờ mưa. "Tháng 5 thường là thời kỳ nghiêm trọng nhất, bởi sang tháng 6 sẽ có mưa. Nhưng năm nay, chúng tôi vẫn chưa thấy mưa đâu", Chintanaphone Chintanaphone, cán bộ quản lý Mạng lưới Nông dân Lào, cho hay.
Hồng Hạnh (Theo CNN)